Giám đốc ở Sài Gòn hơn 30 năm kêu oan

 Căn phòng trọ rộng chừng 10 m2 trong con hẻm quận 10, TP HCM - nơi vợ chồng ông Nguyễn Thành Công (69 tuổi) sống cùng con gái, chất đống hồ sơ kêu oan chiếm gần nửa diện tích. Mái tóc bạc trắng, ông Công đi lại và nói chuyện rất khó khăn do bị di chứng từ lần đột quỵ.

32 năm trước, ông là Giám đốc Công ty Tư doanh Bình Trọng kỹ thương - Bitroco (chuyên sửa chữa ôtô, xe máy, sản xuất dây đồng và phụ tùng), sở hữu căn nhà và công ty rộng hơn 1.200 m2 ở quận 5. Sau khi bị vướng lao lý, ngày ra tù ông trở thành người vô gia cư.

Suốt 25 năm qua, ông Công liên tục gửi đơn kêu oan đến các cơ quan tố tụng. Mãi đến gần đây, hành trình đi tìm công lý của ông có tín hiệu tích cực khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định việc xét xử ông Công về các tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân  Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN theo bản án hình sự năm 1993 của TAND TP HCM là "không phù hợp với các tình tiết khách quan và có dấu hiệu oan sai".

Ông Nguyễn Thành Công tại nhà trọ rộng hơn 10 m2. Ảnh: Đình Văn

Ông Nguyễn Thành Công tại nhà trọ rộng hơn 10 m2. Ảnh: Đình Văn

Công văn Bộ Công an gửi Chánh án TAND Tối cao thể hiện, năm 1989, ông Công mua căn nhà 317 đường Trần Bình Trọng, quận 5 (rộng 1.200 m2) để làm trụ sở Công ty Bitroco. Tháng 3/1990, do thiếu vốn mở rộng sản xuất, ông ký hợp đồng liên kết với Hợp tác xã tín dụng Bưu Điện (HTX Bưu Điện) vay 500 triệu đồng, lãi 6%/ tháng. Đồng thời vay 50 triệu đồng của Sài Gòn Công thương Ngân hàng - Chi nhánh Tân Bình.

Giữa năm đó, HTX Bưu Điện yêu cầu ông Công phải trả tiền trước thời hạn. Từ tháng 3/1990 đến cuối năm 1990, ông đã trả tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng và 194 cây vàng (thừa hơn 709 triệu đồng và 194 cây vàng) với với số tiền phải trả. Tuy nhiên, lãnh đạo và kế toán của HTX vẫn tiếp nhận toàn bộ số tiền (cả tiền thừa) nhưng chỉ đưa vào sổ sách theo dõi của đơn vị hơn 132 triệu đồng tiền lãi, còn lại để ngoài.

Ngày 9/12/1990, Chủ nhiệm HTX Bưu Điện ký công văn gửi UBND quận 5 với nội dung: "Công ty Bitroco còn nợ lãi và vốn hơn 1,7 tỷ đồng, đề nghị cho phát mãi căn nhà 317 Trần Bình Trọng để thu hồi nợ". Cuối năm đó, UBND quận 5 ra quyết định kê biên, phong tỏa và thanh lý căn nhà của ông Công.

Đầu năm 1991, Giám đốc Công ty Bitroco tiếp tục bị HTX Bưu Điện ép ký văn tự bán căn nhà trên cho người phụ nữ với giá 240 triệu đồng. Mấy ngày sau, đơn vị này ký biên bản giao nhà của ông Công cho người phụ nữ với giá 875 triệu đồng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định Chủ nhiệm HTX Bưu Điện đã ký nhận gần 1,3 tỷ đồng của người phụ nữ trong việc chuyển nhượng căn nhà này.

Đối với khoản vay của Sài Gòn Công thương Ngân hàng, ông Công đã thanh toán xong cả gốc và lãi nhưng UBND quận 5 vẫn tiếp tục chuyển vụ việc ông Công vay tiền của HTX Bưu Điện và ngân hàng qua Công an quận 5, đề nghị điều tra việc "ông Công thế chấp nhà 317 Trần Đình Trọng vay tiền nhưng không trả nợ".

Ngày 28/1/1991, ông bị Công an quận 5 khởi tố, bắt giam với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 1985, sau đó đổi tội danh sang Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN theo Điều 135.

Quá trình bị điều tra, Công an quận 5 nhận được đơn của 4 tổ chức cá nhân khác yêu cầu ông Công trả nợ nên khởi tố thêm tội Lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản công dân, nhập vào vụ án trước đó.

Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKS và TAND TP HCM không truy tố và xem xét trách nhiệm bồi thường của ông Công đối với việc vay tiền của HTX Bưu Điện và ngân hàng. Tuy nhiên, ngày 13/2/1993, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt ông Công 3 năm tù về hành vi chiếm đoạt gần 18 lượng vàng của ông Hồng Tồn Tường (chủ cũ căn nhà 317 Trần Đình Trọng); 3 năm tù vì chiếm đoạt hơn 31 triệu đồng của HTX tín dụng Nguyễn Trãi và Xí nghiệp Xây lắp điện. Tổng hợp hình phạt, ông Công phải chấp hành 6 năm tù.

Đối với số tiền 10.000 USD và 10 lượng vàng Công an quận 5 cáo buộc ông chiếm đoạt của Hội đồng khoa học xã hội thành phố, VKS không truy tố trách nhiệm hình sự nhưng TAND TP HCM tuyên ông Công có nghĩa vụ trả khoản này.

Năm 1996, sau khi chấp hành xong hình phạt, ông Công ra tù và bắt đầu hành trình tiếp tục kêu oan.

Kết quả xác đinh đơn kêu oan, Bộ Công an chỉ ra hàng loạt căn cứ, kết luận việc hợp tác giữa ông Công với HTX Bưu Điện là giao dịch dân sự, thậm chí ông Công đã trả thừa hơn 709 triệu đồng và 194 cây vàng. Đối với việc vay mượn tiền giữa ông Công và các tổ chức cá nhân khác cũng đều là "giao dịch dân sự", "không cấu thành tội phạm".

Từ đó, Bộ Công an đề nghị Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án ngày 13/2/1993 của TAND TP HCM theo hướng hủy án, điều tra lại.

Căn nhà rộng 1.200 m2 ông Công mua hơn 30 năm trước sau khi bị phát mãi bị bỏ trống, sáng 18/1. Ảnh: Đình Văn

Căn nhà rộng 1.200 m2 ông Công mua hơn 30 năm trước sau khi bị phát mãi bị bỏ trống, sáng 18/1. Ảnh: Đình Văn

Gần 20 năm trước, Công an TP HCM từng tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của ông Công và kết luận, một số cá nhân thuộc HTX Bưu Điện và người liên quan có "dấu hiệu vi phạm pháp luật" và việc phát mãi căn nhà của ông Công là "trái luật". Tuy nhiên đến nay, ông Công chưa được cơ quan tố tụng nào chính thức minh oan.

"Tôi chưa từng chiếm đoạt tiền của bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Số tiền tôi vay mượn làm ăn đều đã trả, thậm chí dư. Vậy mà họ cố tình hình sự hóa dân sự, đẩy tôi vào tù", ông Công bức xúc nói và cho biết thực tế, sau bản án không có cá nhân hay cơ quan nào yêu cầu ông phải bồi thường, thi hành việc trả nợ tiền.

"Ngày ra tù tôi chỉ còn hai bàn tay trắng, phải ngủ gầm cầu, xin đồ ăn sống qua ngày để tiếp tục đi kêu oan", ông Công nói, giọng ngậm ngùi.

Vợ ông, bà Trần Kim Thuý, cho biết gần 25 năm trước gặp chồng lang thang trước cổng Bệnh viện Bình Dân - nơi bà bán bánh mì. Ông không có tiền, đến xin bà bán chịu ổ bánh vì quá đói. Thêm nhiều lần như vậy, bà hiểu hoàn cảnh của ông mà đem lòng thương yêu, về làm vợ người đàn ông hơn mình 20 tuổi. Từ đó, vợ chồng bà sống dựa vào xe bánh mì.

"Buổi sáng anh ấy phụ tôi bán bánh, chiều về hai vợ chồng lại chở nhau đi gõ cửa các cơ quan tố tụng kêu oan", bà kể. Gần chục năm ròng rã không có kết qủa, năm 2006 ông Công bị tai biến rồi đổ bệnh phải điều trị dài ngày. Tiền tích cóp được cạn kiệt nên cả hai vợ chồng phải liên tục chuyển chỗ trọ. Về sau, sức khỏe của ông giảm sút, đi lại khó khăn, nên việc kêu oan đều nhờ vào vợ.

"Tôi mong được giải oan để ngẩng cao đầu với con gái và lấy lại ngôi nhà của mình", ông Công nói.

Đình Văn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11331
Số người truy cập:
4775196