Hình minh họa nước rẽ ra bởi gió mạnh tại nơi gặp nhau của sông và phá. Ảnh: BBC. |
Đột nhiên một cơn gió lớn nổi lên từ hướng đông khiến nước biển rẽ ra, tạo thành một đường cho người Do Thái chạy sang bờ bên kia. Khi quân Ai Cập tới nơi thì con đường cạn trên biển đã biến mất.
Câu chuyện trên được kể trong cuốn Xuất hành (Book of Exodus). "Chuyện thu hút sự chú ý của nhiều người. Họ muốn biết liệu một sự kiện tương tự như thế từng xảy ra trong quá khứ hay không?”, AFP dẫn lời Carl Drews, một nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ.
Drews và Weiqing Han – một nhà nghiên cứu hải dương của Đại học Colorado, Mỹ - muốn tìm hiểu xem liệu gió có thể khiến nước biển rẽ ra hay không. Họ cho rằng nếu gió thổi qua nơi hội tụ của sông và phá thì nước ở đó có thể rẽ ra. Phá là vùng nước mặn hoặc nước lợ tương đối nông, bị chia cách với biển bởi bãi cát, dải san hô hay đảo.
Hai nhà nghiên cứu tìm thấy một chỗ như vậy ở vùng châu thổ phía đông của sông Nile. Đó là một địa điểm khảo cổ có tên Tell Kedua. Nó nằm trên bờ Biển Đỏ. Một dòng sông cổ - vốn là nhánh của sông Nile – gặp một phá tại Tell Kedua và tạo thành vùng nước hình chữ U.
Drews và Han sử dụng dữ liệu vệ tinh để tạo mô hình giả lập về Tell Kedua. Họ thay đổi địa hình để tạo nên hình ảnh Tell Kedua cách đây 3.000 năm. Sau đó họ đưa nước và gió vào mô hình.
Mô hình cho thấy, nếu gió thổi liên tục trong 12 giờ với tốc độ tối thiểu 101 km/h qua vùng nước có độ sâu 2 m, nước sẽ giãn ra và tạo thành một lối đi có độ dài hơn 3 km. Lối đi sẽ tồn tại trong khoảng hai giờ, khoảng thời gian đủ để những người Do Thái vượt qua ngay cả khi họ di chuyển trong gió mạnh. Ngay sau khi gió ngừng thổi, nước tràn vào lối đi và mặt biển trở lại trạng thái ban đầu.
"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi rất phù hợp với câu chuyện trong sách Xuất hành. Vì thế giờ đây chúng ta có cơ sở khoa học để nói rằng sự kiện diễn ra từ 3.000 năm trước trong sách có thể từng xảy ra trong quá khứ”, Drew tuyên bố.
Minh Long