Mất giá kép
Ngoại trừ những doanh nghiệp (DN) lớn được nước ngoài nâng đỡ như: VNM, DHG, FPT, DPM, HAG... thì giá giảm nhẹ, còn lại hầu hết các mã khác do sức mua yếu nên có mức giảm từ 40% - 60% so với đầu năm. Đặc biệt, dù nhiều DN làm ăn bình thường nhưng giá cổ phiếu vẫn xuống thấp hơn giá trị sổ sách. Điều này cũng có nghĩa là cổ phiếu đã bị mất giá kép (so với số liệu kế toán và so với giá trị bất động sản thực tế).
Thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống, giao dịch trầm lắng.
Ảnh chụp tại sàn chứng khoán Đông Á. Ảnh: HỒNG THÚY
Trong hơn 600 mã niêm yết, hiện có hàng chục mã giá đã xuống sâu hơn giá trị sổ sách. Cổ phiếu Công ty Bảo Minh (BMI), giá trị sổ sách ghi nhận 29.400 đồng nhưng giá đóng cửa ngày 2-11 chỉ còn 16.100 đồng; mã AGF của Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang, giá trị sổ sách lên tới 48.700 đồng nhưng hiện giao dịch ở mức 25.000 đồng; cổ phiếu SAM của Công ty Đầu tư và Phát triển Sacom, giá sổ sách là 38.200 đồng, hiện chỉ còn 18.800 đồng; mã GMD (Công ty Gemadept) chuyên đầu tư kinh doanh cảng biển và logistics, giá sổ sách là 46.900 đồng, hiện giao dịch ở mức 32.200 đồng... Giá cổ phiếu xuống thấp như vậy nhưng vẫn ít người mua, điều đó cho thấy giá trị DN đang bị thị trường coi rẻ.
Lướt sóng nên đứng ngoài cuộc
Việc giá cổ phiếu giảm sâu không đồng nghĩa với DN đó đi xuống, chủ yếu do tâm lý đầu cơ quyết định. Những cổ phiếu nào có cơ cấu cổ đông ít đại chúng, biết “tử thủ” để nắm giữ cổ phiếu lâu dài, lượng cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường ít thì giữ giá tốt; còn không thì giá xuống mạnh hơn bình quân thị trường. Tuy nhiên, những cổ phiếu giá xuống quá sâu khi thị trường phục hồi thường có mức tăng mạnh.
Theo phân tích của một số tổ chức quốc tế, hệ số P/E (thị giá/thu nhập) trên thị trường chứng khoán VN hiện ở trong tốp thấp nhất. So sánh với 12 thị trường khác ở châu Á cho thấy chỉ số P/E của VN ở mức hơn 11 lần trong khi các nước khác đều từ 15 – 25 lần.
Do giá cổ phiếu xuống thấp như vậy nên nhiều chuyên gia nước ngoài đã khẳng định dòng tiền nóng của nhà đầu tư nước ngoài sau khi dừng đổ vào các nước khác (vì giá cổ phiếu đã lên cao) sẽ chuyển sang VN nhưng vào lúc nào thì chưa ai biết được.
Mặc dù giá cổ phiếu đã xuống mức rất thấp nhưng khi lạm phát còn trong xu hướng tăng cao, kinh tế còn bất ổn, đồng nội tệ còn bị trượt giá mạnh thì giá cổ phiếu có thể sẽ còn xuống thêm.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán vẫn còn đi xuống, những nhà đầu cơ lướt sóng tạm thời nên đứng ngoài cuộc chơi, còn những người đầu tư lâu dài nên giải ngân từng bước theo hình kim tự tháp ngược – nghĩa là giá càng giảm sâu càng nên mua nhiều.