Thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thực phẩm tại TPHCM cho hay: Để đáp ứng nhu cầu thị trường trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, họ đã chuẩn bị lượng hàng khá lớn nên khó có thể xảy ra tình hình thiếu hàng, kể cả trong trường hợp nhu cầu tăng vọt. Tuy nhiên, nghịch lý thị trường lại đang xảy ra: Hàng nhiều nhưng giá nhiều loại thực phẩm lại đang tăng cao. Theo nhận định của giới kinh doanh, giá có thể sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn trong một vài ngày tới...
Hàng nhiều giá vẫn tăng
Một trong những mặt hàng đang tăng giá mạnh trong thời gian gần đây là thịt gà. Sau Tết, giá gà tại các trại chăn nuôi chỉ 21.000 đồng- 22.000 đồng/kg (gà công nghiệp), 26.000 đồng- 27.000 đồng/kg (gà thả vườn), thì gần đây giá gà công nghiệp đã tăng lên 24.000 đồng- 25.000 đồng/kg và 3 ngày nay đã lên mức 28.000 đồng/kg.
Tương tự, giá gà thả vườn cũng nhảy lên 38.000 đồng/kg... Trên thị trường TPHCM, giá thịt gà công nghiệp vọt lên 36.000 đồng- 40.000 đồng/kg, gà thả vườn 60.000 đồng/kg, gà ta từ 115.000 đồng- 130.000 đồng/kg. Giới kinh doanh thừa nhận, mức giá hiện nay không thua gì những ngày cận Tết.
Không chỉ mặt hàng thịt gà tăng giá, nhiều mặt hàng thủy hải sản cũng đang được đẩy giá lên. Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), tuần trước, giá nhiều mặt hàng thủy hải sản đã tăng từ 3.000 đồng- 5.000 đồng/kg, hai ngày nay giá tiếp tục tăng thêm vài ngàn đồng/kg.
|
Cá thu đã lên 70.000 đồng/kg, cá ngân 30.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 40.000 đồng/kg, mực ống 80.000 đồng/kg, tôm sú 120.000 đồng/kg... Tại các chợ lẻ giá cũng đang tăng nhanh. Bà Bùi Ngọc Hạnh, buôn bán thủy sản tại chợ Hòa Bình, quận 5, giải thích cũng giống như những lần lễ trước đây, giá cả hàng thực phẩm đều tăng, nên lần này tăng cũng không có gì lạ...
Một mặt hàng tăng giá khác là bia. Cho dù nguồn hàng dồi dào trên thị trường thế nhưng giá vẫn cứ tăng từ 3.000 đồng- 5.000 đồng/két hoặc thùng. Bia chai Sài Gòn xanh lên 102.000 đồng/két, Sài Gòn đỏ 130.000 đồng/két, Tiger 214.000 đồng/két, Heineken 290.000 đồng/két.
Lúng túng trong kiểm soát
Qua ghi nhận thực tế thị trường cho thấy giá tăng không phải thiếu hàng bởi nguồn hàng về các chợ đầu mối vẫn rất dồi dào. Tại các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm khu vực Đồng Nai, Bình Dương cũng như một số tỉnh miền Tây... lượng gia cầm đang chờ xuất bán cũng khá nhiều.
Ông Bảy Đoàn, chủ trại gà ở Gò Công, Tiền Giang, cho biết mối lái đặt hàng nhiều hơn nhưng nguồn hàng từ các trại chăn nuôi vẫn đủ sức cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên cứ vào lễ, Tết ai cũng muốn tăng giá bán. Mỗi khâu trung gian giá tăng một ít thì giá đến chợ tăng cao cũng dễ hiểu.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cũng cho biết gần đây có nhiều nhà cung cấp hàng đòi tăng giá hàng hóa với lý do giá xăng dầu tăng, lương tăng. Nhưng siêu thị chưa thể chấp nhận. Để giữ giá nhiều khi siêu thị phải bán lỗ như giá thịt gà thả vườn bán tại siêu thị chỉ có 39.000 đồng/kg, trong khi giá mua vào đã lên 43.000 đồng.
Một nguyên nhân khác khiến cho thị trường không ổn định được giá cả hàng hóa là do các nhà sản xuất, cung cấp tham gia bình ổn giá đã không thực hiện triệt để các chủ trương. Một số đơn vị chỉ ổn định giá bán tại hệ thống cửa hàng của mình với số lượng cửa hàng quá khiêm tốn, trong khi một số lượng hàng hóa khá lớn của họ bán ra bên ngoài thì lại đua theo “giá thị trường”, trong khi đó các cơ quan chức năng gần như buông lỏng quản lý giá cả, chỉ khi có sự cố mới tổ chức vài đoàn đi kiểm tra...
Đặt vấn đề về công tác quản lý giá hiện nay với các cơ quan chức năng, hầu hết các đơn vị đều kêu khó có thể kiểm soát chặt chẽ. Ông Trương Trung Việt, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết sở cũng đã làm việc với các doanh nghiệp để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp lễ bảo đảm cung cấp đủ cho thị trường để ổn định giá.
Tuy nhiên, thời điểm này cũng không còn trong đợt bình ổn giá cả hàng hóa theo chủ trương của TP như trong dịp Tết vừa qua, cho nên cũng không thể bắt buộc các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá cả như dịp Tết được. Còn ông Lê Xuân Đài, Chi Cục phó Chi cục QLTT TPHCM, cho biết QLTT cũng đã lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp lễ.
Ông Đinh Sơn Hùng, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Cần phát triển hệ thống phân phối rộng khắp Mỗi lần có ngày lễ thì y như rằng giá cả hàng hóa tăng cao. Nguyên nhân là do trong một thời gian ngắn mức cầu tăng cao đột biến, kéo theo giá cả tăng. Để giải quyết tình trạng này cần phải có lượng hàng hóa dồi dào để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nếu có lượng hàng lớn nhưng không có hệ thống phân phối tốt cũng không ngăn được đà tăng giá. Trong khi hệ thống phân phối trong nước vẫn còn yếu kém, hàng hóa chưa được bày bán rộng rãi đến với mọi người nên giá cả có cơ hội là tăng. Ngoài ra cần phải có biện pháp hành chính tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, như việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. |
Thị trường Hà Nội: Giá ổn định Tại thị trường Hà Nội, hiện chỉ có các mặt hàng may mặc, quần áo, vật liệu xây dựng là có biến động về giá, còn lại mặt bằng chung vẫn giữ giá. Riêng thị trường rau xanh, thực phẩm Hà Nội trong những ngày qua vẫn giữ mức ổn định, không xảy ra biến động về giá và sức mua giảm sút so với mọi năm từ 10%-15%. Theo chị Hoa, chủ cửa hàng thịt chợ Hòe Nhai (Ba Đình, Hà Nội), giá các thịt heo mông vẫn là 60.000 đồng/kg, heo thăn 70.000-75.000 đồng, sườn 60.000 đồng; thịt bò thăn 140.000 đồng; bò bắp 130.000 đồng; thịt gà có giá 85.000 đồng/kg... Giá các loại cá và rau xanh vẫn không tăng (cá chép 50.000-60.000 đồng/kg, cá lóc 70.000- 120.000 đồng/kg...). Giá rau cải 5.000 đồng/kg, rau sống 15.000 đồng/kg... Chị Hoa cho hay giá thực phẩm không những không tăng mà còn có nguy cơ ế ẩm vào dịp nghỉ lễ 30-4 vì người dân đi du lịch tỉnh xa, sức mua tại Hà Nội sẽ giảm khoảng 30%-40%. B.Trân |