Đường thủy huyết mạch từ miền Tây lên TP HCM đã được khai thông

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Phó giám đốc Đoạn quản lý đường sông số 11, đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm nút giao thông chợ Gạo cho biết, chiều nay tình trạng tắc và căng thẳng như mấy ngày trước đã chấm dứt.

Sau khi được các lực lượng chức năng tham gia điều tiết, tàu thuyền đã có thể lưu thông qua khu vực này. Nhiều tàu đã cập bến Bình Điền TP HCM trưa nay, tuy nhiên hầu hết nông sản chở trên tàu như chuối, đu đủ... đã bị chín rục sau những ngày kẹt luồng giao thông.

Trưa nay, một số ghe tàu chở trái cây từ các tỉnh miền Tây đã cập bến chợ Bình Điền, TP HCM. Ảnh: Thiên Chương.

Ông Vĩnh cho biết, rút kinh nghiệm sự cố tắc đường thủy nghiêm trọng được ví như một vụ sập cầu dưới nước mấy ngày qua, ngay trong hôm nay Cục đường sông Việt Nam đã có công văn khẩn, yêu cầu các đơn vị liên quan gồm Cục đường sông, Thanh tra Cục đường sông và Cảnh sát giao thông đường thủy Tiền Giang túc trực tham gia điều tiết giao thông khu vực quanh năm, thay vì chỉ khi có tai nạn như hiện tại.

Lý do, theo Ban quản lý đoạn đường sông số 11, nguyên nhân của hầu hết vụ ách tắc giao thông trên tuyến đường thủy huyết mạch từ miền Tây lên TP HCM đoạn Chợ Gạo là do lòng sông cho tàu đi qua quá hẹp, chỉ có 26 m, trong khi hằng ngày có hơn 2.000 lượt phương tiện.

Tối 17/5, sà lan chở cát từ miền Tây về TP HCM đã va chạm tàu chở phân bón lưu thông chiều ngược lại tại Vàm Kỳ Hôm, Chợ Gạo, Tiền Giang.

Tai nạn làm tàu chở phân bón bị chìm. Tàu được trục vớt một ngày sau đó khiến tình hình lưu thông đường thủy khu vực từ chợ Gạo đến thành phố Mỹ Tho, Long An bị tắc nghẽn. Đoạn Chợ Gạo nằm sát TP HCM nên với thế cổ chai, hàng nghìn tàu thuyền chở nông sản, vật liệu xây dựng... từ Cà Mau lên Sài Gòn đều bị nghẽn mạch ở khu vực tàu chìm.

Đến chiều 20/5, bến Vàm Kỳ Hôm vẫn còn hàng trăm phương tiện phải neo lại, xếp hàng chờ cảnh sát giao thông hướng dẫn luồng lưu thông.

Nhiều hàng hóa là trái cây chín đỏ do ùn tắc giao thông đường thủy từ mấy ngày qua. Ảnh: Thiên Chương.

Theo các chủ tàu, kẹt đường thủy trên tuyến này đã như một căn bệnh kinh niên chứ không chỉ do tai nạn như vừa qua.

Trao đổi với VnExpress trưa nay, nhiều chủ tàu chuyên chở hàng hóa đang neo đậu tại chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM, khẳng định dù không có sự cố chìm tàu thì tình trạng kẹt tàu ghe vẫn là bệnh mãn tính của đoạn sông từ cầu Chợ Gạo (Tiền Giang) đến chợ Dinh (Long An).

Theo chị Hậu, chủ che chở trái cây từ Cần Thơ lên Sài Gòn, nguyên nhân khiến đoạn sông dài gần 10 km này thường xuyên ùn tắc là do có quá nhiều sà lan chở cát lưu thông. Theo chị Hậu, sà lan thường di chuyển hoặc neo đậu đi hàng 2 hàng 3, chiếm hết lối của các ghe chở hàng hóa. "Xà lan bằng sắt còn ghe của chúng tôi bằng gỗ, nạn kẹt là thường xuyên, chỉ cần va quẹt thôi cũng đủ chìm", chị Hậu nói.

Nhiều chủ ghe chở chuối, đu đủ từ miệt vườn Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau lên TP HCM cũng than thở, nạn kẹt ghe ở đoạn sông Chợ Gạo đã trở thành nỗi ám ảnh của họ. "Chuối và đu đủ ở quê còn xanh nhưng khi chuyển lên đến chợ Bình Điền do kẹt lưu thông đã chín và hỏng gần nửa. Nhiều người đã phải bán ghe bỏ nghề vì quá ngán nạn kẹt", một chủ ghe nói.

Cũng theo các chủ ghe, từ nhiều năm qua, chính quyền địa phương tại Tiền Giang đã có ý định mở một tuyến kênh riêng cho sà lan nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai.

Khảo sát của VnExpress tại các chợ đầu mối chuyên tiếp nhận hàng hóa đường thủy từ các tỉnh miền Tây, từ rạng sáng nay, hàng hóa đã dần ổn định trở lại. Giá cả các mặt hàng từ trái cây đến gạo chưa có biến động đáng kể từ tai nạn. Dự báo của giới kinh doanh, 3 ngày qua vẫn còn hàng tồn để bán. Giá cả thực sự bị ảnh hưởng bởi sự cố tắc đường thủy sẽ "thấm" sau vài ngày nữa.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3386
Số người truy cập:
4763404