Đồng Việt Nam bị định giá cao?

Ngày 10-10-2007, giá bán ra đô la Mỹ của ngân hàng là 16.084 đồng, nhưng cũng ngày này tháng trước thì giá bán ra là 16.244 đồng. Diễn biến này nếu xem tỷ giá của Việt Nam là tự do biến động theo thị trường thì chúng ta gọi là tiền đồng Việt Nam tăng giá (appreciation) 160 đồng, hay ngược lại đô la Mỹ giảm giá.

Nhưng đó chỉ là cái bóng bên ngoài của tỷ giá hay còn gọi là biến động của tỷ giá danh nghĩa (nominal exchange rate), giá trị thực của nó mới là điều mà chúng ta cần quan tâm. Tỷ giá thực là tỷ giá sau khi đã điều chỉnh sự khác biệt tương đối lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ.

Giả sử rằng, giá cá tra mà các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng bán tại Mỹ là 2 đô la một kg, giả sử rằng tất cả chi phí để xuất 1 kg cá này là 1,5 đô la và như vậy doanh nghiệp có lợi nhuận là 0,5 đô la cho mỗi kg và quy đổi sang Việt Nam đồng là 0,5 x 16.084 = 8.042 đồng. Lợi nhuận này có thể bị ảnh hưởng bởi ba yếu tố cơ bản về mặt vĩ mô. Thứ nhất là tỷ giá, thứ hai là giá bán tại Mỹ và thứ ba là chi phí mua tại Việt Nam.

Nếu một tháng tới, giả sử rằng giá của đô la chỉ còn 15.000 đồng và giá bán ở Mỹ lẫn giá mua ở Việt Nam không thay đổi thì lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ tự động teo lại. Hay nói cách khác doanh nghiệp này đang bất lợi từ tiền đồng lên giá. Các nhà nhập khẩu từ Mỹ được lợi từ tiền đồng lên giá.

Cần tổng quát hoá bài toán này để phân tích một cách tổng thể cho quốc gia nhằm trả lời cho câu hỏi rằng liệu có phải các nhà xuất khẩu Việt Nam đang bất lợi hay không? Hay ở phía bên kia, có phải là các nhà nhập khẩu Việt Nam đang hưởng lợi hay không?

Bây giờ chúng ta phân tích bằng giá cả tổng quát trong nền kinh tế. Sự thay đổi của giá cả tổng quát này đó chính là lạm phát của Mỹ và Việt Nam. Giá trị thực của tiền đồng (gọi tắt là tỷ giá thực so phương - bilateral real exchange rate) là sự chênh lệch của sự thay đổi giữa tỷ giá danh nghĩa, lạm phát ở Mỹ và lạm phát ở Việt Nam.

Hiểu đơn giản là nếu tỷ giá của Việt Nam ổn định, thì khi lạm phát của Việt Nam đang cao hơn lạm phát của Mỹ thì giá trị thực của đồng Việt Nam đang tăng giá; và ngược lại. Bây giờ chúng ta rà soát lại dữ liệu này giữa Mỹ và Việt Nam.

Năm 2001 có thể được xem là một năm mà lạm phát của Việt Nam bắt đầu đổi chiều, từ giảm phát sang lạm phát và kéo dài cho đến nay. Do vậy, chúng tôi lấy đó làm mốc để tính toán sự thay đổi giá trị thực của Việt Nam đồng.

Nếu quan sát trên tỷ giá danh nghĩa, so sánh biến động giữa các năm thì Việt Nam đồng vẫn mất giá tương đối so với đô la Mỹ một cách đều đặn. Chẳng hạn, nếu năm 2001 tỷ giá là 14.752 đồng và tỷ giá trung bình của năm 2006 là 15.994 đồng thì Việt Nam đồng vẫn mất giá so với năm gốc là 8,6%. Thế nhưng lạm phát cao của Việt Nam đang gây bất lợi nếu tính bằng tỷ giá thực.

Bảng bên dưới cho thấy, từ năm 2001, giá cả ở Mỹ tăng 16,2% trong khi giá ở Việt Nam tăng 39,3%. Do đó, dù tỷ giá danh nghĩa của Việt Nam có đánh giá thấp một cách tương đối so với đô la Mỹ (10%) thì tỷ giá thực vẫn cho thấy tiền đồng của Việt Nam đang định giá cao 8% kể từ năm 2001. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ đang bất lợi từ tỷ giá và ngược lại các doanh nghiệp nhập khẩu sử dụng đồng đô la đang hưởng lợi.

Tuy nhiên, với chế độ tỷ giá kiểm soát như Việt Nam hiện nay, để ra quyết định thay đổi tỷ giá cần phân tích bao quát hơn. Ta không chỉ giao thương với Mỹ, mà còn nhiều nước khác. Bài sau chúng tôi sẽ tính toán tỷ giá thực đa phương để có nhận định cuối cùng là tỷ giá thực của Việt Nam đang tăng hay giảm giá một cách tổng thể.

Nếu quan sát trên tỷ giá danh nghĩa, so sánh biến động giữa các năm thì Việt Nam đồng vẫn mất giá tương đối so với đô la Mỹ một cách đều đặn.

Biến động giá và tỷ giá của Việt Nam và Mỹ
giai đoạn 2001 - 2007

Năm 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007
Chỉ số giá của
Mỹ (%)
100 100 102.3 105 108.6 112.1 116.2
Chỉ số giá của
Việt Nam (%)
100 100 103.1 111.2 120.4 128.3 139.3
Tỷ giá USD/VND 14.725 15.280 15.510 15.740 15.859 15.994 16.241
Biến động tỷ giá danh nghĩa hàng năm so với năm 2001 1 1.038 1.053 1.069 1.077 1.086 1.103
Chỉ số tỷ giá thực so với năm 2001 1 1.037 1.045 1.01 0.972 0.949 0.92
Tỷ giá thực 14.725 15.280 15.510 15.740 15.859 15.994 16.241

Nguồn: Tính toán trên số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam và Thống kê Tài chính quốc tế của IMF. Số liệu 2007 là số liệu của tháng 8.

Theo NGUYỄN HOÀI BẢO - Sài Gòn tiếp thị

(trích từ tuoitre.com.vn)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
37344
Số người truy cập:
11155011