Dồn sức ngăn lạm phát

 

Chiều  2-12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo về những nội dung chính của cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Tỉ giá, lạm phát là những vấn đề được báo giới quan tâm nhiều nhất tại buổi họp báo này.

 
Kịp thời bình ổn giá
 
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết theo đánh giá của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm phát triển theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh.
 
Tăng trưởng GDP cả năm dự đoán tăng hơn 6,7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đáng chú ý là công nghiệp tăng trưởng cao, đạt 14,3%; xuất khẩu tăng cao nhất từ trước đến nay, 11 tháng đã đạt kế hoạch cả năm, góp phần giảm mạnh nhập siêu xuống còn 14%. Đời sống người dân được cải thiện, an ninh quốc phòng ổn định.
 
 
Một số mặt hàng thiết yếu được bình ổn giá góp phần kiềm chế lạm phát.
Trong ảnh: Khách hàng mua rau quả giá bình ổn tại siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

 
Tuy nhiên, một vấn đề rất quan ngại là chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng đã lên đến 9,58% trong khi mục tiêu thực hiện là 8%. Trả lời câu hỏi của báo giới về việc Chính phủ có yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm điều hành khi việc kiềm chế lạm phát không đạt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết lạm phát tăng cao do tác động mạnh của giá thế giới vì VN đã hội nhập sâu rộng.
 
Giá cả trong nước cũng có nhiều biến động do liên tiếp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, chi tiêu cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, một số ngành và doanh nghiệp Nhà nước tăng giá theo lộ trình thực hiện giá thị trường. CPI tăng 9,58% là mức cao song đây cũng là một kết quả tốt nhờ Chính phủ đã kịp thời triển khai các biện pháp bình ổn giá đồng bộ, quyết liệt. 
 

Tạm chấp nhận lãi suất cao

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu nhận định thời gian tới, tình hình sẽ được cải thiện hơn do các biện pháp giảm cung ngoại tệ tiếp tục được thực hiện quyết liệt. “Dư luận cho rằng vừa qua, NHNN can thiệp chưa mạnh vào nguồn cung ngoại tệ nhưng điều này không đúng vì NHNN chỉ đáp ứng ngoại tệ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Ô tô, thịt bò, hàng xa xỉ dứt khoát không được đáp ứng”.

Về hiện tượng lãi suất ngân hàng tăng cao, ông Nguyễn Văn Giàu nói: “Doanh nghiệp than phiền nhưng không có cách nào khác. Trong điều kiện hệ thống ngân hàng chưa phát triển đồng đều, tăng dự trữ sẽ có tác động lớn nên phải can thiệp vào lãi suất. Đó là cách lựa chọn tốt nhất trong lúc này để rút tiền về. VN đang sử dụng công cụ chống lạm phát ngắn hạn. Lãi suất theo thị trường lẽ ra phải giảm nhưng đòi hỏi đó trong giai đoạn này chưa thể đặt ra”.

Đánh giá về hiệu quả chung của công tác bình ổn giá, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng đạt kết quả tốt, tuy vẫn có một vài hiện tượng đầu cơ, găm trữ hàng hóa để đẩy giá lên cao.
 
Áp lực lớn từ tỉ giá
 
Chính phủ kết luận hiện tượng tỉ giá ngoại tệ trên thị trường tự do tăng cao là một trong những nguyên nhân tạo áp lực lên giá cả hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm.
 
Thừa nhận hiện tượng giá ngoại tệ giữa ngân hàng và thị trường tự do có khoảng cách khá lớn diễn ra liên tục trong 2 tháng gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, ông Nguyễn Văn Giàu, đưa ra những con số mới nhất cho thấy căng thẳng ngoại tệ bắt đầu có dấu hiệu giảm. Cụ thể là ngày 21-11, cả hệ thống âm 355 triệu USD nhưng đến chiều 2-11, chỉ còn âm 94 triệu USD.
 
Do những đột biến trên thị trường, Chính phủ liên tục có các biện pháp hành chính để can thiệp, như công bố bơm ngoại tệ, đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ thiết yếu, cho nhập khẩu vàng để giảm áp lực lên tỉ giá.
 
Song các biện pháp này chỉ có thể kéo dài vài ba tháng. Về dài hạn, thị trường ngoại hối phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô. Từ đầu năm, Chính phủ đã quyết liệt có các biện pháp khắc phục thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, giảm xuống còn dưới 4 tỉ USD, chưa bằng một nửa so với mức thâm hụt của năm ngoái.
 
Trong khi đó so với năm 2009, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tăng 9%, ODA tăng đáng kể, vốn đầu tư gián tiếp tăng 712 triệu USD, kiều hối dự kiến tăng thêm 0,9 tỉ USD.
Tô Hà

Giày Đại Phát solution
Số người online:
8337
Số người truy cập:
11235682