Ông Ngô Trọng Hùng, Giám đốc Marketing của Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) cho hay, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này đưa ra thị trường lượng sữa trị giá 1,5 tỷ đồng. Nhưng những ngày gần đây, doanh thu chỉ còn vài trăm triệu đồng mỗi ngày.
Trong đợt kiểm tra các công ty sữa sau khi cuộc khủng hoảng melamine bùng lên, đoàn thanh tra của Bộ Y tế ghi nhận Hanoimilk vẫn chứa trong kho lượng sữa bột nhập từ Trung Quốc từ đầu năm nay chưa tiêu thụ hết.
Ngay lập tức, các nhà phân phối và siêu thị đồng loạt thông báo sẽ ngừng bán hàng và trả lại sản phẩm trong thời gian chưa có kết quả xét nghiệm các loại sữa của công ty này.
"Hanoimilk đã phải giảm lượng sữa tươi thu mua hàng ngày từ các nông trại và có thể sẽ dừng hẳn, vì lo ngại sản xuất ra chưa tiêu thụ được", ông Hùng cho hay. Hiện công ty này là doanh nghiệp sữa lớn nhất tại miền bắc là đứng thứ ba tại Việt Nam, sau Vinamilk và Dutchlady.
Lượng tiêu thụ của nhãn hiệu Abbott cũng bắt đầu sụt giảm. Một đại diện của Công ty TNHH Dược phẩm 3A, đơn vị nhập khẩu các mặt hàng của Abbott cho hay, thông tin về vụ sữa nhiễm melanine diễn ra nhanh, các doanh nghiệp cũng không kịp phản ứng. Hiện doanh số của công ty này giảm 10-15%, chủ yếu do người tiêu dùng hạn chế mua sữa.
“Người tiêu dùng chưa biết rõ loại sữa nào có thể có độc tố, loại nào không, nên họ cảnh giác với mọi sản phẩm. Nhiều gia đình dành thời gian nấu cháo cho con, hơn là dùng các loại sữa”, ông này cho hay.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc bán hàng của Dutchlady tại Hà Nội, hiện chưa có số liệu về doanh số của nhãn hiệu này sau thông tin về melamine, vì sự việc mới diễn ra nhanh rất nhanh trong vài ngày gần đây. Tuy nhiên, ông nhận định, chắc chắn doanh số sẽ sụt giảm.
Người tiêu dùng thận trọng với không chỉ sữa, mà cả các sản phẩm chế biến từ sữa. Ảnh: Hoàng Hà
Không chỉ các công ty sữa, các doanh nghiệp bánh kẹo cũng chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng melamine. Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên liên tục nhận được thông tin từ khách hàng hỏi về nguồn gốc nguyên liệu sử dụng để sản xuất.
Ông Lê Hồng Hà, Giám đốc phát triển thị trường của Phạm Nguyên, cho hay, doanh nghiệp này nhập nguyên liệu từ một số doanh nghiệp phân phối, trong đó có Á Châu, một công ty chuyên nhập khẩu nguyên liệu từ một loạt nước như Australia, New Zealand, Singapore và cả Trung Quốc.
Tuy nhiên, đại diện Phạm Nguyên cho hay, nguyên liệu mà công ty này nhập về thông qua Á Châu đều là của Australia và Singapore. "Nguồn nguyên liệu chúng tôi nhập về từ các doanh nghiệp phân phối khác cũng là từ 2 nước này", ông Hà khẳng định.
Ngoài việc chờ đợi thông tin kiểm định của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng đưa sản phẩm đi kiểm tra tại các phòng thí nghiệm. Đại diện của Phạm Nguyên cho hay đã gửi hàng vừa sản xuất và cả sản phẩm đã lưu hành trên thị trường đi kiểm tra.
Trong khi đó, ngoài kiểm định của Bộ Y tế, Hanoimilk vội đưa sản phẩm tới các phòng thí nghiệm của Hà Nội, TP HCM và Singapore. Kết quả kiểm tra 2 mẫu đầu tiên của công ty này tại Viện Dinh dưỡng Hà Nội do Thanh tra Bộ Y tế cung cấp cũng không phát hiện melamine.
Về lượng sữa nguồn gốc Trung Quốc trong kho, Hanoimilk cho hay, đó là nguồn nguyên liệu doanh nghiệp này nhập khẩu về để bán lại cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước, chứ không được sử dụng để sản xuất sữa. Công ty này cho biết chỉ sản xuất từ sữa tươi trong nước, hoặc sữa bột nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trọng Hùng, ngay cả khi sản phẩm của các doanh nghiệp được chứng minh là không có chất độc hại, cũng sẽ mất nhiều thời gian để người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng lại như trước. "Về tâm lý, người tiêu dùng sẽ vẫn có ấn tượng nhất định về các sản phẩm", ông Hùng nói.
Trong khi đó, theo đại diện của Công ty 3A, nên sớm có thông tin để người tiêu dùng yên tâm về các sản phẩm an toàn và tránh ảnh hưởng tới toàn thị trường.
Theo VnExpress