![]() |
Giá điện sản xuất tăng bình quân 6,5-7%. Ảnh: Hoàng Hà. |
Từ đầu tháng này, giá điện sản xuất tăng bình quân 6-7,5%, giờ thấp điểm và cao điểm để tính giá điện được điều chỉnh theo hướng giờ cao điểm tăng gấp đôi giờ thấp điểm. Trước đây, EVN chỉ quy định giờ cao điểm vào ban đêm từ 6h chiều đến 10h tối, nhưng nay biểu giá điện mới quy định giờ cao điểm là 9h30 đến 11h sáng và buổi tối quy định sớm hơn trước, là từ 5h - 8h tối.
Chủ tịch tập đoàn Công nghiệp Tài chính và Bất động sản T&T - Đỗ Quang Hiền nhẩm tính với quy mô sản xuất của 3 nhà máy, gồm sản xuất động cơ xe máy, sản xuất ống nhựa và sản xuất phụ tùng xe máy thì tổng số tiền điện hàng tháng công ty phải trả lên tới 300 - 400 triệu đồng.
Với quy trình sản xuất hiện nay, số tiền điện công ty này sử dụng phải tăng lên khoảng 10%. Do vậy để giữ ổn định ở con số 10%, thay vì sản xuất 24/24h như trước thì công ty phải cắt bớt một ca sản xuất vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, dù có sắp xếp thế nào thì với việc tăng giá điện như vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ xem xét tính toán đưa vào cơ cấu giá thành để tăng giá sản phẩm lên.
Bà Nguyễn Thị Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Cơ Điện Đại Dương có trụ sở tại Thanh Oai, Hà Nội cho biết chi phí sử dụng điện chiếm hơn 10% trong cơ cấu giá sản phẩm của công ty. Do vậy, việc giá điện tăng trong thời điểm kinh doanh khó khăn buộc doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ lưỡng mọi chi phí để tiết kiệm tối đa. Thời gian sản xuất cũng được điều chỉnh linh hoạt để tận dụng giá điện rẻ.
Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ may mặc Đạt Minh Thịnh tại TP HCM, ông Nguyễn Văn Dậu chia sẻ, việc tăng giá điện hiện nay càng tạo thêm áp lực cho ngành dệt may. Ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu khiến thị trường tiêu thụ eo hẹp lại, đơn hàng sụt giảm, giá bán sản phẩm hạ 20%-30%, nay điện tăng thêm 6-7,5% khiến doanh nghiệp tăng chi phí phát sinh.
"Hiện tại Đạt Minh Thịnh chưa tính đến phương án đội giá thành sản phẩm may mặc vì như thế sức tiêu thụ sẽ còn giảm nữa", ông Dậu cho biết. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp này tốn khoảng 10 triệu đồng tiền điện. Như vậy, với biểu giá mới, công ty sẽ phải tăng thêm gần 1 triệu đồng mỗi tháng tiền điện. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ thắt chặt chi tiêu hơn nữa để bù qua khoản phát sinh này.
Còn tại Công ty cổ phần Bibica, phong trào thi đua tiết kiệm điện đang được áp dụng một cách triệt để. Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Bibica, ông Phạm Văn Thiện cho biết, mỗi tháng đơn vị tiêu tốn cho điện khoảng 500 triệu đồng và thời gian tới sẽ phải cộng thêm hơn 20 triệu đồng nữa. Thế nhưng việc tăng giá bán sản phẩm trong bối cảnh hiện nay chỉ càng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, đồng thời Bibica giảm sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác nên trước mắt vẫn duy trì giá bán cũ.
Chia sẻ những khó khăn hiện tại cùng với doanh nghiệp, tại buổi đối thoại doanh nghiệp do UBND TP Hà Nội tổ chức hôm 3/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho rằng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc điều chỉnh giá điện cũng là không đừng.
Theo ông, nếu không tăng sẽ không khuyến khích đầu tư và điện có thể sẽ thiếu trầm trọng trong tương lai. Bởi, cách đây 10 năm điện được bán với giá 6 cent cho mỗi kWh và đến thời điểm trước khi tăng, điện được bán giá 5,4 cent. Với giá này, ông Khu cho rằng sẽ không khuyến khích được đầu tư vào ngành điện bởi khi thị trường chưa cạnh tranh thì người dân khó có cơ hội dùng sản phẩm chất lượng.
Ông Khu cam đoan rằng việc tăng giá sẽ hạn chế tình trạng cắt cúp điện tràn lan không báo trước trong thời gian qua. "Nếu doanh nghiệp nào bị cắt điện hoặc bị vòi vĩnh hãy lưu lại bằng chứng, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm xử lý", ông Khu nói.
Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng việc áp dụng cách điện mới được thống nhất trên toàn quốc và đã được cân nhắc kỹ nên không thay đổi. Tuy nhiên, xét từng trường hợp cụ thể doanh nghiệp kiến nghị, Bộ sẽ xem xét và có những điều chỉnh cho phù hợp.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, giá điện sinh hoạt tăng khoảng 13% sẽ làm tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân năm 2009 khoảng 0,3-0,35% và làm tăng chi tiêu cho các hộ gia đình thêm khoảng 3%. Nhưng đổi lại, Nhà nước thực hiện chính sách trợ giá cho các hộ gia đình nghèo bằng cách chia nhỏ bậc thang để tính giá hợp lý. Còn với điện sản xuất tăng khoảng 6-7,5% thì năm 2009, các ngành sản xuất phải chi thêm khoảng 2.300 tỷ đồng. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành sản xuất ca ba với mức tăng 3-4%. Các ngành còn lại chi phí đội thêm khoảng dưới 1%. Cũng theo tính toán của Bộ Công Thương, với mức tăng bình quân 8,92% thì dự kiến sẽ làm giảm GDP của năm 2009 vào khoảng 0,05-0,06% và trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 0,25-0,3%. |
Hồng Anh - Bạch Hường
(Theo VnExpress)