![]() |
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: "Đây là lúc lửa thử vàng đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước". Ảnh: T.B. |
Hội nghị Quốc tế về Kinh tế Đối ngoại với tên gọi "Định vị Việt Nam trong tương lại" diễn ra lần thứ 2 tại Hà Nội, trong sự quan tâm của nhiều phía, từ Chính phủ Việt Nam đến các tổ chức trong và ngoài nước.
Trước sự theo dõi của hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định, tuy cuộc khủng hoảng lần này có phạm vi ảnh hưởng lớn, nhưng từ cuối 2009 tình hình kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu ổn định. "Hai tháng đầu năm nay, đặc biệt là đầu tháng hai đã le lói khả năng hồi phục đà tăng trưởng vào cuối năm nay". Phó Thủ tướng nói.
Ông khẳng định: "Thế giới dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ âm, nhưng đồng thời cũng nhận định khu vực châu Á sẽ đi lên. Việt Nam tin tưởng nền kinh tế sẽ lấy lại tăng trưởng ở mức độ khiêm tốn vào những tháng cuối năm nay và bắt đầu từ năm 2010 tình hình sẽ tốt lên".
Ngay sau bài phát biểu ngắn của Phó Thủ tướng, ông Chales Goddard, Trưởng nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) đưa ra dự báo GDP Việt Nam năm nay chỉ tăng 0,3%, đã nêu câu hỏi: "Kinh tế thế giới đang tăng trưởng âm. Năm 2010 chưa chắc đã phục hồi. Lý do nào Chính phủ Việt Nam lại tin rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2010?".
Chứng minh cho lập luận của mình, Phó Thủ tướng cho biết, cả năm 2008 Việt Nam vẫn đạt được những chỉ tiêu tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,3%, xuất nhập khẩu tăng 30% so với 2007. Điều kiện xã hội, công ăn việc làm vẫn đảm bảo. "Trong hai tháng đầu năm nay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đầu tư vào Việt Nam trên 5 tỷ USD. Tất cả các chỉ số của tháng hai so với tháng giêng đều khá hơn. Thị trường thương mại dịch vụ trong hai tháng này tăng trưởng 20%", Phó thủ tướng nói.
Trao đổi với VnExpress.net bên lề Hội nghị, đại diện các định chế tài chính lớn đều chung quan điểm với Phó Thủ tướng Hùng. Ông Martin Rama, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá: GDP Việt Nam trong năm nay sẽ là 5,5%, thấp hơn 1% so với dự báo của WB hồi tháng 11/2008.
Giám đốc WB cho rằng, nghiên cứu của nhóm EIU đã đánh giá quá mạnh tầm ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu lên nền kinh tế Việt Nam, và làm trầm trọng hóa ảnh hưởng của việc suy giảm xuất khẩu, vốn chiếm 70% GDP. "Chúng ta có nhiều lý do để tin rằng vào cuối năm 2009 nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện", ông Martin Rama nói.
Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp châu Âu (Eurocharm) Alain Cany cũng chia sẻ: "Tôi không tin vào con số 0,3% tăng trưởng GDP mà EIU đưa ra. Nhiều lĩnh vực của Việt Nam vẫn đang phát triển tốt. Chi tiêu trong nước hai tháng đầu năm nay đều thấp hơn 2008 nhưng vẫn ở mức đáng khích lệ".
![]() |
Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp châu Âu Alain Cany cho rằng nhóm nghiên cứu EIU đã hiểu sai về nhiều lĩnh vực nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: T.B. |
Thậm chí, ông Ashok Sud, Tổng Giám đốc ngân hàng Standard Chartered Bank tại Việt Nam còn nhận định: "Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt với gói kích thích. Tôi vẫn thường lấy cách làm của Chính phủ Việt Nam làm hình mẫu khi nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo tại các nước khác trong khu vực". Đại diện của ADB dự đoán GDP Việt Nam năm nay từ 4 đến 5%.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra một số khuyến nghị. Ông Alain Cany từ Eurocharm đề nghị Việt Nam thực hiện gói kích cầu nhanh chóng và chính xác. "Tiền là của Chính phủ, của nhân dân nên phải đảm bảo nó không chui vào túi của ai đó", ông nói.
Ngoài ra, chính sách thuế cũng là vấn đề được đề cập nhiều. Chủ tịch Eurocharm tại Việt nam Alain Cany bày tỏ: "Việt Nam hiện đứng thứ 126 trên thế giới về chính sách thuế. Đây là yếu tố quan trọng khi các doanh nghiệp nước ngoài quyết định đầu tư. Chính phủ Việt Nam cần cẩn trọng nếu áp dụng chính sách thuế mới".
Ông Thomas Tobin, Tổng Giám đốc HSBC tại Việt Nam nhận định trong trung hạn và dài hạn Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đầu tư hấp dẫn. "Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Chính phủ Việt Nam và đóng góp cho ngành ngân hàng của các bạn".
Thanh Bình
(Theo VNExpress)