Thông tin này được chia sẻ trong Hội thảo "Tăng cường các hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và tăng cường nguồn nhân lực dinh dưỡng tại bệnh viện". Chương trình được Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế, Quỹ Ajinomoto - Tập đoàn Ajinomoto, Công ty Ajinomoto Việt Nam và Bệnh viện Quốc tế FV phối hợp tổ chức.
Đây là hội thảo khoa học lần thứ 8 trong khuôn khổ Dự án Phát triển Hệ thống Dinh dưỡng Việt Nam (VINEP) với sự tham gia của nhiều giáo sư, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên chuyên ngành dinh dưỡng từ Việt Nam, Nhật Bản. Buổi thảo luận xoay quanh các chủ đề kinh nghiệm Nhật Bản trong xây dựng hệ thống chuyên gia dinh dưỡng, mô hình thực hành dinh dưỡng lâm sàng Nhật Bản, tình hình thực hành dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện Việt Nam...
Ông Kei Kuriwaki - Trưởng phòng Cấp cao Quỹ Ajinomoto phát biểu tại Hội thảo. |
Tại đây, bác sĩ chuyên khoa 2 Châu Thị Kim Liên, Nguyên Trưởng khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa ra chủ đề "Vai trò dinh dưỡng trong điều trị bệnh thận mãn tính".
Mở đầu, bác sĩ Kim Liên cho biết toàn thế giới có 497,5 triệu người mắc bệnh thận mãn tính và mỗi năm có thêm khoảng 250.000 bệnh nhân mới. Bệnh thận mãn tính là nguy cơ chủ yếu cho bệnh thận giai đoạn cuối, tim mạch và tử vong sớm. "Chi phí chăm sóc cho bệnh nhân thân mãn tính giai đoạn cuối là một con số khổng lồ. Để tránh bệnh diễn tiến đến giai đoạn cuối, giảm chi phí cho việc lọc máu, một trong những biện pháp cần đến là chế độ dinh dưỡng hợp lý", bà phát biểu.
Cụ thể, chế độ ăn đúng sẽ giúp bệnh nhân tránh suy dinh dưỡng, giảm quá tải cho thận suy để bảo tồn chức năng thận còn lại, đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày và kiểm soát đường huyết. Đặc biệt dinh dưỡng hợp lý còn giúp giảm triệu chứng bệnh như buồn nôn, ngứa, chán ăn; duy trì cân nặng tốt, tránh mất khối lượng cơ; ngừa nhiễm trùng; kiểm soát tạo chất thải từ thức ăn.
"Thiết lập chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp làm ngừng hoặc chậm sự tiến triển suy thận mãn tính; ngăn ngừa hoặc làm giảm chất độc do urê trong máu cao, chậm quá trình xơ hóa cầu thận, kéo dài thời gian cần lọc máu", bác sĩ Liên cho biết.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Châu Thị Kim Liên khẳng định tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với bệnh nhân thận mãn tính. |
Bốn nguyên tắc cho chế độ ăn của bệnh nhân khi điều trị bệnh thận mãn tính được bác sĩ Kim Liên đưa ra là: ít đạm, dùng protein có giá trị sinh học cao, đủ acid amin thiết yếu; giàu năng lượng để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng; đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu; cân bằng nước - muối, đủ canxi, ít phosphat.
Hướng dẫn cụ thể, lượng chất đạm trung bình ăn vào mỗi ngày duy trì ở mức 0,3-0,6g/kg cân nặng kết hợp cùng keto acid, thay đổi tùy thuộc mức độ suy thận. Lý do hạn chế chất đạm là vì khi ăn nhiều dẫn đến sản sinh urê, urê tích tụ lại cơ thể khi suy thận, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực.
Việc ăn ít protein luôn phải đi kèm đáp ứng nhu cầu về năng lượng mỗi ngày để tránh việc thiếu hụt acid amin và giữ thể trạng tốt cho bệnh nhân. Trung bình mỗi người cần ăn đủ 35-40kcal/kg cân nặng mỗi ngày. Tỷ trọng cung cấp năng lượng: chất béo chiếm 30-40% và chất bột đường 60-70%. Bác sĩ Liên nói thêm 1g đường bột cho 4kcal, 1g protein đem đến 4kcal và 1g chất béo cung cấp 9 kcal.
Bảng thành phần protein, calo có trong một số thực phẩm. |
Nguyên tắc thứ 3, bác sĩ Liên nhấn mạnh mỗi này lượng nước bệnh nhân cần uống vào sẽ bằng lượng nước tiểu thải ra cộng thêm 500ml. Còn nhu cầu muối khoáng được tính toán qua các chỉ số: natri, kali, phosphat.
Khẩu phần ăn mỗi ngày cần hạn chế gia vị muối vì chúng chứa nhiều natri, lượng natri nạp vào giới hạn trong 1-3g/ngày. Tương tự, bệnh nhân chỉ được ăn 40-70mEq kali mỗi ngày vì kali ứ đọng lại ở những người suy thận. Bệnh tăng kali máu xảy ra khi nồng độ kali hơn 5,5mEq/lít và nếu con số này lên đến hơn 6,5mEq/lít có thể gây ngưng tim đột ngột, tử vong bất kỳ lúc nào mà không có triệu chứng báo trước.
Thức ăn chứa nhiều kali là cam, chuối, nho, đào, bưởi, dâu, dừa...; hạt khô như đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ, chocolate, cà phê sữa... Trái cây ít kali có thể ăn được là lê, dưa hấu. Rau tươi có nhiều kali nên nếu ăn, bệnh nhân cần đun nấu 2-3 lần và bỏ nước luộc rau.
Bác sĩ Liên khuyến cáo bệnh nhân chỉ được ăn 4-12mg phosphat mỗi ngày. Chất này có nhiều trong hầu hết thực phẩm chứa đạm, đặc biệt là sữa, phô mai, cua, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, gan, trái cây khô, vitamin...
Hội thảo có sự tham gia của nhiều giáo sư, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và giảng viên chuyên ngành dinh dưỡng Việt Nam, Nhật Bản. |
Tuy vậy chế độ ăn của bệnh nhân cần phụ thuộc vào tuổi, tiền sử bệnh, chức năng thận, hoạt động thể lực... Tùy theo mỗi giai đoạn bệnh, bệnh nhân sẽ có chế độ ăn khác nhau. Bệnh nhân cần lưu ý các loại thức ăn không bắt buộc phải cấm tuyệt đối, nếu có nhầm lẫn khi lên thực đơn cần đến ngay bác sĩ để được tư vấn và can thiệp kịp thời, thay vì hoảng sợ, lo lắng.
Hoài Nhơn