Đi xe máy cũng phải cấm rượu bia

Không tán thành dự luật quy định cấm điều khiển môtô, xe gắn máy mà có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu, hoặc 0,25mg/1 lít khí thở, đại biểu Dương Hiền nói: "Nếu nhất trí tức là mặc nhiên thừa nhận người lái môtô, xe gắn máy được uống rượu bia trước khi tham gia giao thông. Vì đã uống rồi thì biết thế nào không vượt quá nồng độ cho phép?".

Ông Hiền phân tích, vừa qua tai nạn do môtô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ rất cao trong số vụ tai nạn giao thông. Hơn nữa, không phải lúc nào cũng tổ chức kiểm soát được vấn đề này. "Tôi đề nghị cấm tất cả người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia", ông Hiền nhấn mạnh.


Đại biểu Võ Văn Liêm: "Ít nhất sau 6 giờ hết nồng độ cồn trong máu và khí thở mới được điều khiển phương tiện". Ảnh: TTXVN.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Võ Đình Tuyến cho rằng không nên có chế độ riêng cho người điều khiển môtô và xe gắn máy. "Nói vấn đề này, chắc chắn sẽ còn một số ít người không vui, nhưng chúng ta cần quyết tâm thay đổi tập quán uống rượu, vì mạng sống con người, vì hạnh phúc của gia đình và toàn xã hội", ông Tuyến nói.

Chặt chẽ hơn, đại biểu Võ Văn Liêm đề nghị cấm sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông. Ít nhất sau 6 giờ hết nồng độ cồn trong máu và khí thở mới được điều khiển. "Có người uống cả lít chưa say, có người một chén đã say. Quy định như dự luật biết ai say, ai không say, ai còn khả năng điều khiển được môtô", ông Liêm nói.

Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Tiến Long cho rằng quy định như dự luật là phù hợp vì: "Chúng ta thừa biết rằng hiện nay thói quen sử dụng bia rượu của nhân dân rất phổ biến, thậm chí có lúc lạm dụng. Tình trạng này còn tồn tại lâu dài trong xã hội".

Ông Long đề nghị cần quy định cụ thể nồng độ cồn trong người ở mức 50mg/100ml máu là tương ứng với bao nhiêu ml rượu, bia, với các nồng độ khác nhau. "Có như vậy người uống rượu bia mới biết điểm dừng vì còn làm nhiệm vụ lái xe", đại biểu này lý giải.

Thảo luận về tỷ lệ đất dành cho giao thông đường bộ, đa số đại biểu đồng tình với Chính phủ cần ấn định tỷ lệ 16-26% quỹ đất khi quy hoạch phát triển các đô thị. Ông Nguyễn Văn Lưu lý giải: "Ở ngoại thành Hà Nội và các quận mới của TP HCM, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ chiếm 1-2%, trong khi trên thế giới con số này là 20-25%. Vì thế người dân đành phải đi xe máy trên cả vỉa hè".

Đại biểu Đinh Ngọc Lượng nhận xét quy định như trong dự thảo chỉ phù hợp với sự phát triển giao thông ở đô thị mới. Còn các đô thị hiện nay gần như không có quỹ đất, hoặc nếu có cũng khó quy hoạch và rất tốn kém. "Để luật khả thi, tôi đề nghị cân nhắc kỹ, quy định rõ tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông loại đô thị hiện nay và loại đô thị mới sắp xây dựng".

Ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận tiếp về dự luật giao thông đường bộ sửa đổi. Cuối ngày mai, theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1185
Số người truy cập:
4760701