ĐH Luật TP HCM ép sinh viên mua tài liệu

Theo nữ sinh viên trên, ngày 28/8, phó hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM Võ Văn Phúc đã ra thông báo buộc sinh viên các khóa phải mua một trong những cuốn tài liệu do trường biên soạn như: đề cương bài giảng môn luật Hôn nhân gia đình, Tố tụng hình sự, Luật lao động... Đối với các lớp ở tỉnh, số lượng tài liệu bắt buộc này sẽ được Thư viện nhà trường "gởi về theo xe đưa rước giảng viên và trích thù lao cho tài xế (số tiền thù lao do Ban Giám hiệu duyệt) hoặc được gửi bằng đường vận chuyển công cộng (có chứng từ).

Cùng với nữ sinh viên trên, nhiều bạn khác cho biết thêm, họ phải nộp 162.000 đồng, trong đó 100.000 đồng là lệ phí đề thi, giấy thi, tổ chức thi, còn lại 62.000 đồng là tiền mua giáo trình Luật hình sự và Luật quốc tế.

Nhóm sinh viên khóa 31 trên cũng phản ánh thêm, nếu họ không tự nộp khoản 162.000 đồng để nhận tài liệu thì nhà trường sẽ thu gộp vào học phí. Mức đóng sẽ là 1.062.000 chứ không phải là 900.000 đồng như mức học phí quy định của những năm trước. Đối với những trường hợp chỉ đóng 900.000 đồng phòng kế hoạch tài chính sẽ không nhận.


Một trong những tài liệu do trường Luật biên soạn mà sinh viên phản ánh là bị "ép" mua. Ảnh: C.T.

Cùng phản án "ấm ức" còn có các sinh viên anh chị khóa 29 và "đàn em" khóa 32. "Ngoài việc buộc sinh viên không mua thì sẽ bị cấm thi và treo bằng tốt nghiệp, trường còn ép sinh viên mua sách bằng cách yêu cầu đại diện lớp đến thư viện để nhận tài liệu bắt buộc theo số lượng sinh viên của lớp, bất kể các bạn đã đóng tiền hay chưa", một cử nhân Luật tương lai còn cho biết thêm.

Cũng theo phản ánh của các sinh viên, nhiều bạn sợ không được nhận bằng vào tháng 10 tới, nên "nhắm mắt" đóng đại cho xong chuyện, lỡ đến ngày nhận bằng tốt nghiệp gặp rắc rối thì uổng công học hành mấy năm trời. Không ít trường hợp đóng tiền rồi, nhưng bỏ qua không lấy tài liệu vì chẳng để làm gì. Nhiều bạn "thi gan" không đóng nhưng đang hồi hộp không biết có bị trường giữ lại bằng không. "Nếu bất đắc dĩ thì đến ngày đó sẽ đóng 100.000 đồng còn hơn bị treo bằng", một sinh viên sắp ra trường nói.

Trao đổi với VnExpress.net về, Trưởng phòng đào tạo ĐH Luật TP HCM Ngô Đức Tuấn khẳng định "đúng là trường có quy định sinh viên sẽ bị cấm thi, treo bằng tốt nghiệp nếu không mua tài liệu học tập bắt buộc, do trường tự biên soạn".

Theo ông Tuấn, từ năm học 2007 - 2008, ngoài một số môn học theo giáo trình chung của Bộ GD&ĐT, các môn liên quan đến chuyên ngành đều do các tổ bộ môn của trường tự biên soạn. Tất cả các giáo trình này đều được Hội đồng khoa học trường thẩm định, và chủ trương này được đưa ra sau khi đã có sự thống nhất các phòng ban, Đoàn TNCS HCM, Hội sinh viên trường.

"Thực tế, số tiền học sinh phải nộp để nhận từng loại giáo trình cụ thể, chỉ chiếm 1/3 chi phí để biên soạn và in ấn các tài liệu đó, còn phía trường bù lỗ 2/3 giá. Vì thế, tôi khẳng định không có chuyện ĐH Luật TP HCM mua, bán kinh doanh tài liệu hay vi phạm pháp luật. Ban giám hiệu trường cũng đã nhiều lần trao đổi, giải thích vấn đề trong các buổi tiếp với sinh viên", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trưởng phòng Tuấn cũng khẳng định đó là những tài liệu tối thiểu sinh viên phải có trong quá trình học tập. Trường đề nghị sinh viên mua các giáo trình gốc do trường biên soạn, phát hành nội bộ còn vì muốn bảo vệ bản quyền, đề phòng trường hợp sinh viên mang sách ra ngoài photo tràn lan. Và từ khi áp dụng chủ trương này, phòng đào tạo chưa ghi nhận trường hợp sinh viên nào bị cấm thi, hoặc treo bằng vì lý do không mua giáo trình.

Cũng theo trưởng phòng Tuấn, dù đây là quy định chung của trường, nhưng nếu các sinh viên quá khó khăn không có điều kiện mua các tài liệu bắt buộc này có thể làm đơn trình bày gửi các bộ phận chức năng liên quan trong trường. "Thậm chí, trường có thể tặng không tài liệu cho những trường hợp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn", ông Tuấn thông tin.

Chia sẻ với VnExpress.net, Phó giám đốc thư viện ĐH Luật TP HCM Đặng Văn Thống cũng cho biết thêm, việc chủ động biên soạn và phát hành các tài liệu bắt buộc trong sinh viên xuất phát từ quyết tâm xây dựng một bộ giáo trình chuẩn riêng có của trường.

Tuy nhiên, dưới góc độ người sử dụng, một nam sinh viên cho rằng: "Những tài liệu này không cần thiết cho chương trình học vì sơ sài, chỉ tóm lược lại các ý chính mà các giáo trình đã có chứ không có gì mới, giá lại quá cao. Việc làm này hoàn toàn mang tính kinh doanh chứ không phải muốn xây dựng một bộ sách chuẩn".

Đề cập đến khoản 100.000 đồng chi phí in đề cương, giấy thi, đề thi một năm đại diện nhà trường cho rằng, đây cũng là những khoản chi phí sinh viên bắt buộc phải đóng vì trường tổ chức phát đề thi dạng in cho từng học sinh ở mỗi lần thi, kiểm tra. "Đây là chuyện sinh viên phải cùng chung sức, hỗ trợ với trường", ông Thống nói.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
22842
Số người truy cập:
11190411