Công trình đào đường 'ngủ' ngày

Góc đường Trần Đình Xu - Trần Hưng Đạo thuộc quận 1, một đoạn rào chắn thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP HCM, dài bẻ cua được dựng lên khiến con đường gần như bị tắc nghẽn. Trưa 19/5, tình trạng ách tắc cục bộ cũng diễn ra, vậy mà bên trong công trình không một bóng người thi công, một thanh niên nằm ngủ tỉnh bơ dưới đất.

Cách khoảng 500 m, giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo, quận 5, theo ghi nhận của VnExpress từ 14h15 tới hơn 15h ngày 19/5 cũng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước, công việc luôn diễn ra hết sức chậm chạp. Chỉ một vài công nhân có mặt. Chốc chốc một người đi lại nhìn xuống cái hố đang đào sâu. Gần đó, chiếc xe tải và cần cẩu nằm im lìm.

Trong khi ngoài đường, các phương tiện đang khổ sở lách qua lô cốt này thì ở "nội đô của pháo đài", dưới gầm xe tải và trong một đoạn ống cống mới gần đó, 2 người mắc võng, một người ngủ, một đọc báo ngon lành. Lúc này đã gần 15h.

Bên trong công trường tại góc đường Trần Đình Xu - Trần Hưng Đạo không một bóng công nhân do phải chờ phương án thi công mới do vướng công trình ngầm. Ảnh chụp lúc 15h15 ngày 19/5. Kiên Cường

Các lô cốt án ngữ trên đường Nguyễn Văn Trỗi thuộc dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè, tuyến huyết mạch từ sân bay Tân Sơn Nhất vào thành phố, lâu nay được người dân Sài Gòn mệnh danh là "thành đồng vách sắt" vì thi công ì ạch, bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn trơ trơ đứng đó 6 tháng nay.

Theo phản ánh của những hộ dân trên đoạn đường này, các rào chắn thuộc quyền sở hữu của Tổng công ty Bạch Đằng từ khi được dựng lên đến nay luôn thi công cầm chừng, gây khó khăn cho việc giao thông và kinh doanh trong khu vực.

Ngay trong những ngày lễ Phật đản đang diễn ra, có lô cốt bỏ không bèn tận dụng "mở cửa" cho các xe đi chùa vào đậu rất tự nhiên.

Rào chắn trước cổng chùa Đại Giáp trên đường Nguyễn Văn Trỗi, 11h sáng 19/5, 3 chiếc ôtô được vào đậu, không hề có thu phí. Buổi chiều cùng ngày, mọi dụng cụ đào bới tại đây vẫn nằm án binh bất động, không một dấu hiệu thi công.  

Bên trong rào chắn không một công nhân thi công do chờ di dời công trình ngầm. Ảnh chụp lúc 14h15 ngày 19/5 tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ. Kiên Cường

Chị Hoa, một người dân ở đây phẫn nộ: "Dù đã có nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra của các cấp chính quyền, nhưng thật là lạ khi không ai xử lý dứt điểm đến việc lãn công của Tổng công ty Bạch Đằng, đơn vị thi công gói thầu này".

Đặc biệt, theo chị Hoa có đoạn đường đã đặt xong cống từ trước Tết Mậu Tý như đoạn trước số nhà 178-180 Nguyễn Văn Trỗi, đến nay đơn vị thi công cũng không thèm lấp lại, trải nhựa đường để giải phóng, thu hẹp "lô cốt", trong khi hàng ngày nơi đây liên tục bị kẹt xe.

Trao đổi với VnExpress, ông Đặng Ngọc Hồi, trưởng Phân ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP HCM cho biết, các công trình trên đều có những lý do chính đáng buộc phải ngưng trệ.

Điển hình như tại góc đường Trần Đình Xu - Trần Hưng Đạo, khi đào lên "lô cốt" vướng hàng loạt công trình ngầm không thể di dời nên phải "treo". Hiện nhà thầu đang tiến hành nghiên cứu biện pháp thi công khác, vì vậy mới có hiện tượng trì trệ trong thời gian này.

Theo ông Hồi, biện pháp các nhà thầu thường đưa ra là kích cống ngầm thay vì đào hở (cống được kích sâu dưới cả những công trình ngầm). Giải pháp này tốn rất nhiều thời gian, công sức và ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án.

Còn công trình thi công ở giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo lại vướng đường ống nước của Công ty cấp nước Sài Gòn, hiện vẫn chưa di dời được. Cộng thêm với việc chờ đợi các đường ống kích từ các "lô cốt" khác chuyển qua nên công trình cũng cần có thời gian chờ.

Gần đây, để cứu tiến độ các công trình trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Tổng công ty xây dựng số 1 đã đồng ý triển khai giúp Tổng công ty Bạch Đằng làm nhà thi công. Thế nhưng hiện do chưa đủ "quân" nên Tổng 1 cũng chưa bắt tay vào việc trong một sớm một chiều được.

Trong một cuộc họp gần đây, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông công chính TP HCM cũng thừa nhận thành phố không có bản đồ công trình ngầm nên hễ cứ đào lên là "vướng". "Không có cách nào khác là buộc phải dừng lại để di dời các công trình này khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng nặng nề", ông giám đốc Sở nói.

Không bằng lòng với sự bất lực này của Sở giao thông, Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Lê Hiếu Đằng bức xúc: "Tuy vẫn biết là có những yếu tố khách quan nhưng nếu các ban ngành liên quan có công trình ngầm cùng ngồi lại và tháo gỡ nhanh chóng thì chắc chắn không có cảnh các công trình ngồi chơi xơi nước như hiện nay".

Theo ông Đằng, ngay từ lúc lên phương án đào đường thì nhà thầu phải biết có thể vướng công trình ngầm và phải có sẵn phương án thay đổi cách thức thi công, chứ không phải kiểu "nước đến chân mới nhảy". Chính vì vậy dẫn đến việc người dân bất bình trước nạn kẹt xe mỗi ngày một nghiêm trọng hơn do các nút thắt cổ chai, còn công trình vẫn "bình chân như vại".

Ông Đằng thẳng thắn nêu quan điểm: "Ngay như việc lựa chọn nhà thầu ban đầu, Sở nên chọn những nhà thầu có năng lực chứ không quá quan trọng dựa vào tiêu chí sẽ đóng góp bao nhiêu cho ngân sách thành phố, vì như vậy sẽ dẫn tới việc cảm tính chọn những nhà thầu kém chất lượng".

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
512
Số người truy cập:
4759222