Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu VE9 sốt trở lại trong nhiều ngày qua. Từ ngày 15-30/11, mã này tăng 57,3%, trong khi HNX-Index mới tích lũy 6,85% cùng thời gian. Cùng thời điểm, AAA vọt từ 24.700 đồng lên 34.700 đồng, STP từ 23.200 lên 28.700 đồng, SHN từ 13.800 lên 19.000 đồng...
Tại sàn TP HCM, từ ngày 25/11, KSS qua mỗi phiên đều tăng gần hết biên độ 5%, từ mức 20.600 đồng hôm 22/11, cổ phiếu đóng cửa sáng 30/11 tại 25.600 đồng. Tương tự, VNE từ 9.200 đồng lên 11.200 đồng, MCG từ 14.100 lên 17.000 đồng... cũng trong cùng thời gian.
![]() |
Yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước không thuận lợi nhưng cổ phiếu vẫn tăng giá mạnh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 30/11, cùng với đà tăng điểm của các chỉ số, giá trị giao dịch của mỗi sàn (Hà Nội và TP HCM) đều vọt lên trên 1.000 tỷ đồng - mức cao nhất trong 2 tháng gần đây. Vn-Index vượt ngưỡng 450 điểm, đạt 451,59 điểm.
Giám đốc chi nhánh một công ty chứng khoán ở TP HCM cho biết, trong 2 ngày gần đây, ông nhận được hàng chục thắc mắc với một câu hỏi chung: "Vì sao thị trường tăng mạnh và sẽ kéo dài trong bao lâu?".
Nhiều nhà đầu tư cũng như các chuyên gia chứng khoán khác cùng thấy khó hiểu về đà tăng điểm liên tục của nhiều cổ phiếu và Vn-Index bởi 3 lý do. Thứ nhất, các cổ phiếu tăng giá không có những đột biến về thông tin. Thứ hai, thị trường chứng khoán thế giới đang lao dốc do tác động từ cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu. Thứ ba, các yếu tố vĩ mô cũng chưa có thông tin tích cực, thậm chí còn có chiều hướng hơi tiêu cực với lãi suất và lạm phát cùng tăng cao.
Về lý do khiến thị trường tăng mạnh 2 phiên gần đây, ông giám đốc nói trên tiết lộ, cuối phiên ngày 29/11 thị trường được một số nhà đầu tư lớn đẩy lên. Chính vì vậy, chỉ trong ít phút cuối, hai sàn quay ngoắt 180 độ. Ông này cho rằng, ý định đẩy giá ban đầu chỉ do một vài người thực hiện, song nó đã nhanh chóng kích thích nhiều người tham gia. Hiệu ứng đám đông khiến giao dịch tăng đột biến trong phiên sáng 30/11. Tuy nhiên, con sóng tăng này duy trì bao lâu, sẽ do nhiều yếu tố chi phối như lạm phát, lãi suất, tỷ giá, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...
Chuyên gia này dự báo, khi giá tăng quá nóng thì nhiều nhà đầu tư sẽ chốt lời nên đà tăng của cổ phiếu khi lên 20-30% sẽ gián đoạn.
Trưởng bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt - Hoàng Thị Hoa cũng cho rằng, 2 phiên tăng điểm cùng lượng giao dịch nhảy vọt ngày 29-30/11 là do có "mồi lửa" gây chú ý, kích thích nhiều người tham gia. Song "mồi lửa" này xuất phát từ đâu thì chưa thể xác định. Với nhà đầu tư, họ chỉ nhìn thấy sóng là tham gia bất chấp thị trường không có thông tin tốt bởi gần như đã miễn dịch với tin xấu.
Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ lớn tiết lộ, yếu tố kích thích có thể đến từ việc mua cổ phiếu của một quỹ đầu tư Bắc Âu. Quỹ này vừa chuyển 200 triệu USD vào Việt Nam và đang thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, phó tổng giám đốc của một quỹ đầu tư nước ngoài lớn khác lại cho rằng, ông chưa thấy yếu tố nào tích cực đủ mức có thể kích thị trường lên nhanh như vậy. Việc các quỹ nước ngoài mua ròng thì hàng ngày ai cũng thấy và khó có thể trở thành nhân tố "nhóm lửa" trong đợt tăng giá lần này. Cũng vì thế, ông rất ngạc nhiên với mức tăng giá khủng của nhiều cổ phiếu trên thị trường.
Không lý giải việc tăng giá bằng yếu tố "nhóm lửa", ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc Công ty liên doanh quản lý quỹ Việt Nam cho rằng, giá cổ phiếu giảm quá lâu và sâu thì sẽ có lúc bật trở lại. Với nhiều cổ phiếu, khi giá đã xuống dưới giá trị sổ sách mà hoạt động công ty vẫn tăng trưởng tốt thì nhà đầu tư mua vào là hợp lý. "Đây là một cơ hội tốt cho đầu tư dài hạn", ông này nhận xét.
Cùng quan điểm với ông Tân, bà Hoàng Thị Hoa - Trưởng bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt, cho rằng: Nhiều cổ phiếu giảm mạnh gấp nhiều lần mức sụt giảm của các chỉ số trong thời gian qua. Có mã về mức giá lúc Vn-Index dưới 300 điểm. Chính vì vậy, việc mua chứng khoán với mức xấp xỉ hoặc thấp hơn mệnh giá như hiện nay được nhiều người ưa chuộng do rủi ro ít, đầu tư dài hạn cũng không sợ lỗ.
Bạch Hường - Hoàng Ly