Có nên tận dụng gene tốt cây lúa ma ở Hà Nam?

 Gần đây, nhiều thửa ruộng của nông dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam hầu như không cho thu hoạch sau 5-6 tháng gieo sạ. Theo phản ánh của người dân đây là số diện tích bị lúa ma (hay còn gọi lúa cỏ) tấn công.

Theo các nhà khoa học việc lúa ma bùng phát ở Hà Nam là do giống bị thoái hóa, lẫn giống lúa dại và khi làm đất không kỹ khiến loài hạt dại tồn tại lâu trong đất, sức sống mạnh nên dễ mọc lại.

Bà Trịnh Thị Loan, ở xã Thanh Hà, nhổ lúa ma trên thửa ruộng không cho thu hoạch. Ảnh: Phạm Chiểu

Nhiều người đặt câu hỏi, có thể tận dụng gene ưu điểm chống ngập úng, sống khỏe của cây lúa này để phát triển giống cho những vùng ngập lụt. GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng, trên thực tế để tận dụng gene tốt, các nhà khoa học đã lai tạo được giống lúa AS996 chống phèn cho Đồng bằng sông Cửu Long những năm 2010, nhưng hiện giống này không còn do có sự xuất hiện các giống năng suất cao hơn.

Bà cho biết, việc tạo giống mới từ gene lúa ma chủ yếu nghiên cứu ở góc độ phân tử bởi việc lai tạo bắc cầu mất tới 25 năm để ra được dòng lai và rất khó ra giống.

Người dân tham gia phục dựng mô hình chống xuồng thu hoạch lúa ma tại tiểu khu A1, năm 2012. Ảnh:Huỳnh Thanh Phong

Đồng tình, GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, "cha đẻ" của nhiều giống lúa cho nông dân Việt, nhận định giống lúa ma có gene quý như khả năng chịu hạn, ngập úng, tuy nhiên năng suất thấp, chất lượng không ngon.

GS Quý cho rằng việc nghiên cứu lai tạo để tận dụng ưu điểm gene là điều mà các nhà khoa học hướng tới. Theo ông, có nhiều phương pháp, như: tách gene, marker (chỉ thị phân tử) và biến đổi gene (tức chọn lọc một cách chính xác dựa trên khoa học công nghệ hiện đại và chuyển vào giống cây trồng để đem lại một tính trạng mong muốn một cách có kiểm soát-PV).

Theo GS Quý, tách gene và chỉ thị phân tử là phương pháp thường được lựa chọn nhưng kỳ công, mất nhiều thời gian. Còn chọn lọc gene sau đó chuyển vào cây trồng là phương pháp nhanh nhưng lại không được ưa chuộng vì sợ rủi ro.

Hiện xu hướng thế giới không thích cây trồng biến đổi gene. "Nguyên do là vì sợ rủi ro với sức khỏe con người, do chuyển gene lạ vào cây trồng", ông Quý nói và dẫn ví dụ về biến đổi gene ở ngô tại Việt Nam vẫn còn nhiều lo ngại. Ông cho biết công nghệ gene giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó hầu hết các loại thuốc chữa bệnh, kháng sinh do công nghệ gene, nhưng cây trồng thì còn e ngại. "Nhất là châu Âu, họ không thích cây trồng biến đổi gene, chỉ có Mỹ, Canada là có sử dụng", ông nói.

Chia sẻ về kỹ thuật thúc đẩy nhanh về lai tạo giống, ông cho biết việc biến đổi gene bằng cách chiếu xạ không gây ảnh hưởng, bởi chỉ làm thay đổi bên trong. Nhắc về loại lúa khủng cao tới 2 m ở Trung Quốc, GS Quý cho biết đây không phải lai tạo từ giống lúa ma, mà lai từ một loại cỏ, chuyển gene từ cây mía, cây ngô vào.

Theo GS Lang, lúa ma ở Việt Nam hiện chỉ còn có 3 loài, trong đó phổ biến là loài Oryza Rufipogon (chủ yếu ở đồng bằng Sông Cửu Long), hạt dài và có râu, dạng bông xòe, chứ không túm như lúa cỏ. Một nhóm khác là Oryza Nivara xuất hiện ở miền trung và loại Oryza officitalic có hạt nhỏ và râu ngắn hơn.

Như Quỳnh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3540
Số người truy cập:
4763855