Một số ngân hàng (NH) thương mại cổ phần cho hay hiện nay các NH đang dồi dào USD nhưng đó chỉ là vốn ngắn hạn mà nguồn vốn này thì không thể sử dụng để cho vay được, còn nguồn vốn dài hạn thì vẫn khan hiếm.
Chính vì vậy, các NH vẫn duy trì lãi suất USD khá cao trên thị trường để thu hút nguồn vốn dài hạn và cũng xem xét các biện pháp để cân đối giữa giải ngân và huy động vốn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Lãnh đạo một NH cho biết, đối với các doanh nghiệp thì thời điểm này, doanh nghiệp vay USD sẽ có lợi hơn vì lãi suất USD thấp hơn vay bằng VND và tỉ giá USD cũng rẻ. Cộng cả biến động tỉ giá thì lãi suất vay ngoại tệ vẫn thấp hơn vay tiền đồng. Vì vậy các doanh nghiệp vẫn thích vay ngoại tệ. Ước tính lượng ngoại tệ cho vay thường chiếm tới 70% tổng nguồn vốn huy động, trong khi nguồn vốn huy động ngoại tệ lại thấp hơn 50% tổng nguồn huy động (cả bằng USD và VND).
Đấy cũng chính là lý do vừa qua có hiện tượng nhiều tổ chức tín dụng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi USD. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được vay bằng USD vì theo quy định chỉ có các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu mới được vay bằng USD.
Tỉ giá USD như hiện nay đang có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, mua ngoại tệ (chủ yếu là USD) để dùng thanh toán nhập hàng nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu thì lại thiệt... Trên lĩnh vực tiêu dùng, người dân đang được lợi từ tỉ giá giảm do việc mua hàng thanh toán bằng USD cũng sẽ có lợi hơn.
Tỉ giá USD khó vượt ngưỡng 17.000 VND
Đối với người dân, thời điểm này có nên mua USD để tích trữ? Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ của một NH cổ phần cho rằng, với xu hướng tỉ giá có thể tiếp tục giảm thì việc tích trữ USD sẽ không có lợi.
Tuy nhiên, điều này cũng còn tùy động thái của NH Nhà nước điều tiết tỉ giá. Theo một số chuyên gia, ngay cả khi USD giá cao (như ở mức 16.300 VND “ăn” 1 USD trong tháng 8 vừa qua), gửi tiết kiệm USD cũng không lợi bằng VND do chênh lệch lãi suất vẫn rất lớn. Lãi suất tiền gửi VND luôn ở trong trạng thái cao hơn USD.
Theo số liệu của NH Nhà nước, tỉ giá USD/VND trên thị trường trong khoảng gần 2 tháng trở lại đây diễn biến theo chiều hướng giảm. Nếu như từ ngày 21-8 đến 15-9, tỉ giá bán của NH Ngoại thương luôn ở mức chạm trần thì từ ngày 15-9 tỉ giá bắt đầu giảm mạnh và hiện tại đang ở mức chạm sàn.
So với thời điểm tỉ giá đạt mức cao nhất (16-8) thì tỉ giá ngày 11-10 đã giảm 1% trên các giao dịch của NH Ngoại thương và giảm 0,82% trên thị trường tự do. Đặc biệt, ngày 17-10, tỉ giá giao dịch của NH Ngoại thương được giao dịch ở mức chạm sàn và xấp xỉ bằng nhau đối với cả giá mua và bán (16.081 VND và 16.082 VND/USD).
Động thái mới đây của Chính phủ yêu cầu NH Nhà nước thực hiện việc can thiệp hợp lý vào thị trường để điều hành tỉ giá VND/USD ở mức thích hợp, không để xảy ra tình trạng VND tăng giá hoặc giảm giá quá mức có thể là tia hy vọng khiến tỉ giá USD sẽ nhích lên.
Ngoài ra, NH Nhà nước cũng phải tiếp tục triển khai việc mua ngoại tệ bổ sung cho Quỹ Dự trữ ngoại tệ quốc gia... Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng trong tương lai VND sẽ có giá hơn và tỉ giá USD cũng chỉ nằm trong khoảng như hiện nay chứ khó có thể vọt lên ngưỡng 17.000 VND/USD.
Theo GIA LINH - Người Lao Động
(trích từ tuoitre.com.vn)