![]() |
Cảnh giao dịch tại thị trường chứng khoán New York. Ảnh: AFP. |
Giá của các cổ phiếu Mỹ giảm do giới đầu tư lo ngại khoản tiền mà Cục Dự trữ liên bang (FED) bỏ ra để mua trái phiếu chính phủ sẽ không lớn như kỳ vọng và tốc độ giải ngân cũng chậm hơn. Những báo cáo trái chiều về nền kinh tế và thu nhập của giới doanh nghiệp cũng đẩy giá cổ phiếu của những công ty ngoài lĩnh vực công nghệ xuống.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số Standard & Poor’s 500 lần lượt mất 0,4% và 0,3%. Riêng chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiếp tục đà tăng với mức 0,2%, đạt 2.503,26 điểm. Khối lượng giao dịch khá thấp với tổng số 7,8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng tại Sở Giao dịch chứng khoán New York, Sở Giao dịch chứng khoán Mỹ và Nasdaq.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, sắc đỏ tràn ngập các thị trường chứng khoán chủ chốt. Chỉ số FTSE 100 của Anh và CAC-40 của Pháp lần lượt mất 1,1% và 1%, còn chỉ số DAX của Đức giảm 0,7%. Xu thế tăng giá chỉ xảy ra tại thị trường chứng khoán Nga và Thụy Sĩ.
Nền kinh tế Anh tăng trưởng 0,8% trong quý III, cao gấp hai lần so với dự đoán của giới phân tích. Thông tin này có lẽ sẽ xoa dịu sự lo ngại của người Anh về nguy cơ xảy ra suy thoái kép.
Bất chấp làn sóng biểu tình của công nhân, quốc hội Pháp vẫn thông qua luật cải cách hệ thống lương hưu, theo đó tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 60 lên 62. Đây là một thắng lợi quan trọng đối với Tổng thống Nicolas Sarkozy, người luôn tỏ ra kiên định với chủ trương cải cách. Tuy nhiên, sự kiên định đó cũng khiến tỷ lệ ủng hộ ông rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2007.
Liên minh châu Âu từng chi hàng trăm tỷ euro trong năm nay để cứu các nước đang có khoản nợ công lớn như Hy Lạp và Ireland. Giờ đây Đức, đầu tàu kinh tế của châu Âu, cũng rơi vào tình cảnh tương tự với mức thâm hụt ngân sách ngày càng đáng báo động. Chính phủ Đức sẽ thực hiện nhiều biện pháp, như giảm quy mô quân đội, để cứu vãn ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp thông báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ giảm 4% trong năm nay và 2,5 tới 3% trong năm sau. Tuy nhiên, Athens sẽ không kéo dài thời hạn trả khoản nợ 110 tỷ euro cho Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Mất điểm cũng là xu thế chủ đạo của chứng khoán châu Á hôm qua. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 0,5% số điểm sau khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc thông báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư tại châu Á chững lại trong quý thứ hai liên tiếp do kim ngạch nhập khẩu và sản lượng công nghiệp giảm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ ở mức gần 0,1%, bất chấp việc giá đồng yen giảm nhẹ so với đồng USD, mang lại chút lợi thế cho các công ty xuất khẩu.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt giảm 1,85% và 1,46%, còn chỉ số S&P/ASX 200 của Australia mất 0,9%. Giá chứng khoán tại Singapore, Ấn Độ và đảo Đài Loan cũng lao dốc.
Malaysia và Ấn Độ kết thúc các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do song phương trong chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Hiệp định sẽ có hiệu lực từ năm sau. Hai nước hy vọng kim ngạch mậu dịch song phương hàng năm sẽ tăng tới 15 tỷ USD vào năm 2015.
Giá vàng và dầu mỏ hầu như không có diễn biến mới. Dầu được giao dịch ở mức 82,05 USD/thùng, tăng 0,11%, còn giá vàng vẫn duy trì mức 1.322,2 USD/ounce.
Minh Việt