Tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số thị trường S&P 500 vươn lên mức chốt phiên cao nhất kể từ tháng 5.2010 sau khi chính phủ công bố thông tin khu vực dịch vụ của Mỹ tăng trưởng hơn dự kiến.
Chỉ số quản lý thu mua ISM đối với khu vực dịch vụ tại Mỹ, bộ phận đóng góp tới 90% tỉ trọng nền kinh tế số 1 thế giới, đã tăng lên 53,2 điểm trong tháng 8 vừa qua, cao hơn mức dự đoán 52 điểm của các chuyên gia kinh tế (theo kết quả khảo sát của Bloomberg News).
Bên cạnh đó, một thông tin tích cực khác xuất phát từ bên kia bờ Thái Bình Dương cũng đã tạo động lực tăng điểm khá chắc chắn cho thị trường chứng khoán Mỹ. Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời thiết lập một quỹ trị giá 5 ngàn tỉ yen Nhật (tương đương 60 tỉ USD) để mua lại các trái phiếu chính phủ và nhiều tài sản khác. Được biết, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tới đây cũng sẽ có hành động tương tự nhằm hỗ trợ đà phát triển kinh tế.
Cổ phiếu của hầu hết các mã ngành đều tăng khả quan trong phiên này. Cổ phiếu của đại gia ngành hàng không Boeing tăng 3,4%; cổ phiếu của Bank of America, ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất nước Mỹ, đã tăng 3,1%.
Nhóm cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng tăng mạnh nhất trong 24 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500, tăng 3,2%.
Cổ phiếu của ngân hàng Marshall&Ilsley tăng mạnh 5,9%; cổ phiếu của Zions Bancorporation tăng 3,6%; cổ phiếu Citigroup tăng 2,5%.
Tổng kết phiên 5.10, chỉ số thị trường S&P 500 tăng mạnh 2,1%, lên thành 1.160,75 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial giành thêm 193,45 điểm, tương đương tăng 1,8% so với phiên đầu tuần, chốt phiên ở mức 10.944,72 điểm. Cả S&P 500 và Dow Jones hiện đang đạt mức chốt phiên cao nhất kể từ tháng 5 vừa qua. Chỉ số Nasdaq Composite của các công ty công nghệ tăng mạnh 2,4%, lên thành 2.399,83 điểm.
Tại châu Âu, sau chuỗi 6 ngày giảm điểm liên tiếp, các thị trường chứng khoán quốc gia tại khu vực này đã khởi sắc trở lại. Bên cạnh thông tin khu vực dịch vụ của Mỹ tăng trưởng hơn dự kiến, việc những nỗ lực cải cách tài chính, cân đối chi tiêu quốc gia của Hy Lạp nhằm thoát khỏi khủng hoảng nợ công đã phần nào được ghi nhận (theo báo cáo phân tích của Moody’s Investor Service, một tổ chức phân tích thị trường độc lập toàn cầu).
Các hoạt động dịch vụ của Anh trong tháng 8 vừa qua cũng đã tăng trưởng, chỉ số ISM đánh giá sự phát triển của khu vực này đã tăng lên 52,8 điểm trong tháng 8 (theo công bố của viện nghiên cứu kinh tế Markit Economics và viện quản lý thu mua Chartered (CIPS)).
Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng 1,3% trong phiên này. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,44%, lên thành 5.635,76 điểm; CAC 40 của Pháp tăng mạnh 2,25%, chốt phiên ở mức 3.731,93 điểm; DAX của Đức giành thêm 1,33% tổng số điểm, tăng lên mức 6.215,83 điểm.
Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng mạnh 2,58%; PSI General của Bồ Đào Nha tăng 1,48%; Athex Composite của Hy Lạp tăng nhẹ 0,97%.
Tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacific tăng nhẹ 0,2% trong phiên 5.10 (kết thúc chiều cùng ngày, giờ VN). Trước khi quyết định cắt giảm lãi suất đồng yen Nhật được công bố, chỉ số MSCI Asia Pacific đã có lúc giảm tới 0,9%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giành thêm 137,7 điểm, tương đương tăng 1,47% so với phiên đầu tuần, chốt phiên ở mức 9.518,76 điểm; HSI của Hồng Kông tăng nhẹ 0,09%, chốt phiên 5.10 ở mức 22.639,14 điểm.
Ghi nhận trên một số thị trường khác trong khu vực: Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 1,72%; KOSPI (Hàn Quốc) giảm nhẹ 0,02%; S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,4%; Straits Times của Singapore tăng nhẹ 0,16%.
Duy Trần
(Tổng hợp theo Bloomberg, Reuters)