Hoạt động đầu tư ngắn hạn, lướt sóng thời điểm này đã khó khăn hơn. Thay vào đó, cơ hội săn mua, cơ cấu danh mục lại rộng mở với những phiên sôi động.
Thị trường mở cửa tuần mới ở mốc điểm khá nhạy cảm, cách 500 điểm một bước nhỏ với hướng giảm nhẹ cuối tuần trước. Sau bước giảm nhẹ 3,59 điểm trong đợt 1, đà giảm nối tiếp được gợi mở, VN-Index nhanh chóng rơi xuyên cả mốc 490 điểm, mức thấp nhất giữa đợt khớp lệnh liên tục đã về sát 487 điểm, giảm trên 20 điểm.
Đó là một đà giảm mạnh, có thể tạo cảm giác “khớp” với nhiều nhà đầu tư, sau khi đã quen với hướng đi lên mạnh mẽ và những đợt điều chỉnh nhẹ vừa qua. Một lần nữa thị trường chờ đợi sức mạnh của nguồn tiền lên tiếng, sự nâng đỡ thường thấy gần đây khi chứng khoán đồng loạt giảm sàn. Thực tế, sức mạnh đó đã lên tiếng, dòng tiền ồ ạt vào sàn, giá chứng khoán bật trở lại để đưa VN-Index vọt lên tái chiếm mốc 500 điểm; nhưng áp lực xả hàng đè giá quá lớn, sự tái chiếm đó chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút gần cuối đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số chung sau đó lại rơi về gần 490 điểm và gượng nhẹ kết thúc phiên. Đó cũng là đỉnh điểm kịch tính của phiên sáng nay. VN-Index chung cuộc giảm 16,07 điểm, còn 493,52 điểm.
Trên HASTC, sức bật đó ít nhiều cũng thể hiện trong cùng thời điểm, nhưng không thể cải thiện kết quả chung của một phiên giảm mạnh. Từ trên 180 điểm, HASTC-Index đổ xuống mốc 175,8 điểm, gần với mức thấp nhất trong phiên, giảm 7,12 điểm (3,89%).
Ở thời điểm này, nhà đầu tư đang hướng sự quan tâm tới nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng; trong đó, có những kỳ vọng sự nóng sốt tiếp tục có sức lan tỏa đối với không khí chung, nhất là trước thềm niêm yết cổ phiếu lớn Vietcombank. Nhưng hai đầu tàu tại hai đầu Nam - Bắc là STB và ACB hôm nay cùng giảm mạnh với khối lượng chuyển nhượng lớn. SHB, BVS, HPC, KLS và cả SSI trên HOSE cùng đồng loạt giảm mạnh. Riêng HCM vẫn đang miệt mài tạo kỷ lục tăng trần kể từ ngày niêm yết; PVF tăng thêm 1.300 đồng/cổ phiếu với thuận lợi từ khả năng hoàn nhập dự phòng với kết quả kinh doanh được dự tính khả quan sau 6 tháng đầu năm.
Điểm giá trị mà thị trường vẫn tiếp tục duy trì là sức mạnh của nguồn tiền. Trên HOSE, khối lượng và giá trị tăng mạnh so với phiên cuối tuần qua, toàn phiên đạt tới trên 75,6 triệu đơn vị với 2.836 tỷ đồng. Nhà đầu tư tiếp tục nhập cuộc mạnh với niềm tin điều chỉnh chỉ là ngắn hạn, nhưng làn sóng chốt lời vẫn chưa dứt.
Trong sự sôi động đó, khối đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng nhẹ với hơn 33,7 tỷ đồng, nhưng vẫn trung thành với chuỗi giao dịch nhẹ nhàng với tỷ trọng mua – bán dưới 5%; toàn phiên chỉ mua 2,84 triệu đơn vị, bán 2,86 triệu đơn vị.
Trên HASTC, khối lượng và giá trị giao dịch không mấy thay đổi so với phiên cuối tuần trước, duy trì gần 39 triệu cổ phiếu với 1.447 tỷ đồng.
Tính chung, cả hai sàn đang duy trì con số trên 4.000 tỷ đồng mỗi phiên, là phiên thứ tư liên tiếp tạo được quy mô đó và cho thấy quy mô của nguồn tiền vào ra thị trường thời điểm này rất lớn.
Đây là phiên thị trường trong nước thiếu sự cập nhật tươi mới từ thị trường Mỹ. Diễn biến đi ngang của thị trường này cuối tuần qua có thể khiến sự ảnh hưởng tạm thời mờ nhạt hơn.
Còn trước mắt, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chờ đợi những tác động có sức nặng của nội tại: Vietcombank, sau đó là Vietinbank, chính thức niêm yết với kỳ vọng tạo thêm sự sôi động và tính hấp dẫn cho thị trường; Quốc hội sẽ chính thức quyết định chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân; vĩ mô hơn, sức khỏe của kinh tế sẽ được kiểm chứng bởi các thống kê cơ bản 6 tháng đầu năm lần lượt được công bố; với doanh nghiệp niêm yết, là câu trả lời trong báo cáo kinh doanh quý 2/2009…