Đừng nhìn vào lợi ích trước mắt
Dự án kéo dài 9 năm so với mục tiêu ban đầu, so với nghị quyết cuối cùng thì chậm 7 năm. Thời gian xây dựng quá dài khiến nhiều ĐB băn khoăn về hiệu quả kinh tế.
ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) nói: “Qua khảo sát, làm việc với lãnh đạo dự án, tôi khẳng định Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang lỗ chứ chưa lãi được”. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng: Vốn đầu tư tăng từ hơn 1 tỉ USD lên 3,5 tỉ USD trong khi Chính phủ không báo cáo cụ thể về kinh tế nên cần phải 3 - 5 năm nữa mới đánh giá chính xác về hiệu quả dự án. ĐB Trần Việt Hưng (Hòa Bình) tán đồng: “Chưa thể đánh giá hiệu quả kinh tế bởi chưa có đủ cơ sở, ít nhất phải sau 1 năm đi vào hoạt động”.
Dưới góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng việc VN chi ngoại tệ nhập xăng dầu về tiêu dùng trong khi sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tồn kho là một nghịch lý.
Cần làm rõ việc này gây thiệt hại về kinh tế - xã hội như thế nào, ai bị thiệt, ai hưởng lợi, trách nhiệm thuộc về ai... ĐB Lê Thanh Bình (TPHCM) cho rằng sản phẩm xăng dầu của nhà máy có giá thành bằng hoặc cao hơn giá xăng dầu nhập khẩu, vì vậy cần vai trò điều hành của Chính phủ.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang vận hành 100% công suất thiết kế. Ảnh: TTXVN
Là người theo dõi dự án từ những ngày đầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc (ĐB Thanh Hóa) lập luận: Muốn đánh giá hiệu quả kinh tế của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không nên nhìn vào hiệu quả kinh tế trước mắt mà nên có tầm nhìn chiến lược lâu dài.
Hiệu quả kinh tế phải đặt trong tổng thể hiệu quả về chính trị và xã hội. Theo ĐB Phúc, bài học lớn cần rút ra là quyết tâm chiến lược, khi “quyết” là phải làm ngay và làm làm khẩn trương bởi vì cứ mãi “bàn ra tính vào” mà thời gian xây dựng nhà máy kéo dài tới 13 năm dẫn tới vốn đầu tư đội từ 1,2 tỉ USD lên 3,5 tỉ USD.
Kết thúc giám sát?
Do còn nhiều băn khoăn với hiệu quả kinh tế và xã hội của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nên các ĐB có quan điểm khác nhau về việc có nên ra nghị quyết kết thúc dự án.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn (ĐB Đà Nẵng) cho rằng nên cân nhắc việc QH ra nghị quyết về kết thúc giám sát Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khi dự án vẫn chưa thể quyết toán, dự án được bổ sung vốn từ trên 1 tỉ USD đến hơn 3 tỉ USD lại chưa được quyết toán, kiểm toán.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Đức Hiền (ĐB Quảng Ngãi) góp ý: Đến thời điểm này, không nhất thiết phải ban hành nghị quyết kết thúc giám sát của QH đối với dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Theo ĐB Hiền, việc đưa ra đánh giá về kinh tế - xã hội của dự án lúc này là hơi sớm. Nhà máy được đầu tư rất lớn, chủ yếu là công nhân kỹ thuật lành nghề, trong đó công nghiệp phụ trợ chưa có điều kiện phát triển; số lao động được giải quyết rất ít; đánh giá về tiêu chí xã hội cũng chưa rõ rệt, chưa tạo động lực mạnh. Cùng quan điểm, ĐB Đỗ Mạnh Hùng cho rằng dự án di dời hơn 2.200 hộ dân nhưng mới chỉ nhận vào làm việc 611 lao động là quá ít.
Tuy nhiên, nhiều ĐB khác lại ủng hộ QH ra nghị quyết kết thúc dự án. Theo ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), dù còn một số vấn đề về di dân, tái định cư hay hiệu quả kinh tế nhưng QH nên ra nghị quyết kết thúc và giao Chính phủ báo cáo hằng năm.
Trong khi đó, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) lại ủng hộ giao Ủy ban Kinh tế hoặc Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH kết hợp với Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH thẩm tra sâu hơn trước khi kết thúc. “Cần kiểm toán độc lập dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và báo cáo QH để làm rõ hiệu quả đến đâu” - ĐB Hà kiến nghị.
Bảo vệ người tiêu dùng, người tố cáo
Cùng ngày, QH cũng thảo luận về dự án Luật Đo lường và dự án Luật Tố cáo. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng nhiều điều khoản tại dự án Luật Đo lường vẫn chung chung, chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
“Hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm 20%, còn lại 80% là thương mại truyền thống, mua bán ở chợ nhưng dự án luật này chưa bảo vệ được người tiêu dùng của 80% thương mại truyền thống” - ĐB Lịch nói.
Về dự án Luật Tố cáo, các ý kiến cơ bản tán thành với những nội dung trong dự thảo, trong đó có việc tăng cường bảo vệ người tố cáo để khuyến khích người dân tham gia tố cáo các tiêu cực, sai phạm song cần quy định rõ ràng hơn.
ĐB Lê Thanh Bình (TPHCM) cho rằng luật phải làm rõ các quy định về trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan chức năng khi không bảo vệ được người tố cáo hay việc người tố cáo bị thiệt hại thì việc bồi thường ra sao...
H.Kỳ
|