Chọn lối đi cho vàng?

Lạc nhịp

Giá vàng thế giới lập đỉnh cao nhất hôm 3-5-2011 ở mức 1.577,70 USD/oz, và hiện đang dao động quanh mức 1.547 USD/oz. Nếu quy đổi với tỷ giá hiện nay (trong khoảng 20.550-20.700 đồng/USD), cộng các loại phí thông thường, giá vàng trong nước sẽ vào khoảng 38,4 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, mặc cho giá vàng thế giới theo đuổi xu hướng tăng, vàng trong nước vẫn được giao dịch với mức giá thấp hơn vàng thế giới từ 400.000-500.000 đồng/lượng. Nhớ thời “vàng son”, đã có lúc giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới đến 1 triệu đồng/lượng.

Ngày 7-6 khi giá vàng trong nước nhích qua ngưỡng 38 triệu đồng/lượng, nhiều người đã mang vàng đi bán. Đến ngày 9-6, vàng SJC của Công ty VBĐQ Sài Gòn chi nhánh Hà Nội được niêm yết mua vào - bán ra ở mức 37,83 - 37,91 triệu đồng/lượng. Giá vàng trên thị trường tự do trong nước phổ biến tương ứng là 37,8- 37,87 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, nhận định chung của các chuyên gia là vàng sẽ tiếp tục tăng giá. Chuyên gia phân tích kinh tế thế giới, nhà đầu tư huyền thoại Marc Faber, vừa đưa ra nhận định: vàng là khoản đầu tư tốt nhất trên thị trường hàng hóa. Ông John Embry, chiến lược gia đầu tư của quỹ Sprott còn cho rằng, các vấn đề địa chính trị rắc rối và kinh tế vĩ mô u ám sẽ hỗ trợ cho giá vàng. Ông dự báo giá vàng sẽ lên 1.650 USD/oz trong mùa hè này, trước khi lên 1.800 USD/oz trong 3 tháng sau đó.

Thế nhưng, thị trường vàng trong nước đã trầm lắng trở lại khi giao dịch tiếp tục giảm sút. Giám đốc một cơ sở kinh doanh vàng lớn cho biết, do doanh thu giảm nghiêm trọng, phải tính đến việc cắt giảm nhân viên.

Kể từ khi Nghị quyết 11 ban hành, trong đó Thủ tướng yêu cầu NHNN có biện pháp quản lý thị trường vàng tốt hơn, xây dựng lộ trình tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do..., đã có rất nhiều giải thích để người dân, doanh nghiệp “bớt sốc” về những hiểu nhầm đối với chủ trương quản lý thị trường của Chính phủ. Song thị trường vàng trong nước vẫn không thể sôi động trở lại. Tất nhiên hiện tượng này còn do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ vì “lỗi” thông tin không rõ ràng từ phía cơ quan quản lý.

Chọn lối đi cho vàng?, Tài chính - Bất động sản, gia vang, gia vang hom nay, vang mieng, tai chinh, nha dau tu

Cần có khuôn khổ pháp lý để huy động khối lượng vàng rất lớn trong dân, tạo thành nguồn lực “sống” phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

“Ôtô” muốn chạy mà đèn chưa sáng!

Đã 3 tháng kể từ khi Nghị quyết 11 được ban hành, NHNN - cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản mới về quản lý thị trường vàng vẫn chưa đưa ra dự thảo văn bản này. Cả nước hiện có đến hơn 7.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng bạc đá quý và hàng trăm ngàn thợ kim hoàn. Sự chậm trễ trong việc định hướng phát triển thị trường vàng đang khiến hoạt động kinh doanh vàng gặp khó khăn. Nhưng, đến giờ dù rất muốn nhưng vẫn không doanh nghiệp nào dám “cầm đèn chạy trước ôtô”.

7000 là số lượng doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh vàng đá quý hiện có

Giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu vàng kiếm lợi. Với thuế suất xuất khẩu vàng loại trên 99,0% ở mức 10%, theo tính toán của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, xuất khẩu vàng lúc này không ăn thua. Mặt khác, do hiện USD không còn “đắt giá” như trước, nên cho dù doanh nghiệp nào đánh liều “biến hóa” để xuất khẩu vàng với mức thuế suất 0% (áp dụng cho vàng có hàm lượng dưới 99,0%) thì việc tỷ giá mua bán USD trên thị trường tự do còn thấp hơn cả ngân hàng cũng là lý do để doanh nghiệp không ham xuất khẩu vàng.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cần có khuôn khổ pháp lý để huy động khối lượng vàng rất lớn trong dân, tạo thành nguồn lực “sống” phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Theo ông Nghĩa, đây là thời điểm thích hợp để đưa vào hoạt động một sàn vàng tập trung, theo chuẩn quốc tế, giúp minh bạch hóa thị trường, tạo sự tin cậy cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời dễ cho cơ quan quản lý... Muốn thế phải có sản phẩm vàng miếng mang thương hiệu vàng quốc gia. Về vấn đề này, NHNN cũng đã từng định chọn một thương hiệu vàng, một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn để hỗ trợ họ trở thành thương hiệu vàng “chuẩn”. Nhưng rồi trước sức ép của nhiều doanh nghiệp khác, NHNN đã không thực hiện được ý đồ này. Vì thế, đến nay thị trường vàng miếng vẫn tồn tại theo kiểu nhà nhà đúc vàng miếng, dập thương hiệu riêng.

Làm thế nào để gom tất cả vào một mối thật sự không đơn giản. Nhưng vai trò của vàng trong nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là không thể xem nhẹ. Trước sau gì cũng phải có quyết sách rõ ràng, có chuẩn mực cho vàng giao dịch trên thị trường. Vấn đề này càng trở nên bức thiết trong bối cảnh khủng hoảng nợ, lạm phát cao đang gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
23434
Số người truy cập:
11831375