Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết để có thể khai thông kênh tín dụng phải nhanh chóng thực hiện giải pháp kích cầu, kể cả hỗ trợ xuất khẩu, và cho phép NH giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho DN, qua đó mới có thể cho vay thêm.
Lãi suất 7-8% vẫn ế
Cho vay chứng khoán tắc vì... giá Gần đây, một số NH trở lại cho vay kinh doanh chứng khoán nhưng lượng vốn giải ngân không nhiều. Một công ty chứng khoán cho biết ba tháng trước người vay ngán LS cao, còn bây giờ họ ngại giá giảm. Giá chứng khoán giảm liên tục khiến những nhà đầu tư lướt sóng “can trường” nhất cũng phải đắn đo và... lắc đầu. Họ chỉ dám vay khi chứng khoán có “sóng”. Nhà đầu tư này hi vọng khi các giải pháp kích cầu rõ ràng sẽ giúp thị trường nổi “sóng”. |
Nhiều tháng trước, khi lãi suất (LS) cho vay “vóng” lên 21%/năm, một số NH đưa ra chương trình cho vay VND theo LS USD, chỉ 8-10%/năm. Để cho vay theo LS này, NH yêu cầu DN cam kết bán ngoại tệ thu được từ xuất khẩu cho NH theo tỉ giá thỏa thuận trước. Khi chương trình này triển khai đã tạo ra kênh thoát vốn cho NH đồng thời hỗ trợ các DN xuất khẩu có được LS rẻ.
Thế nhưng cơn bão giá trên thế giới chùng xuống, kéo sức mua suy giảm đã “bồi lấp” con kênh thoát vốn này của NH. Giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong tháng 11 giảm mạnh: gạo giảm khoảng 30%, cà phê giảm 20%, cao su giảm 30%, dầu thô giảm 40%.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh - tổng giám đốc NH Kỹ thương Việt Nam, không ít DN bị nhà nhập khẩu ép phải thỏa thuận lại giá, không chỉ giá giảm mà bên mua lại nhùng nhằng không chịu thanh toán dứt khoát nên DN không có nguồn ngoại tệ để bán cho NH. Vì vậy nhiều NH cho biết không chỉ DN co lại mà ngay NH cũng ngại cho vay.
Tương tự, với nhà nhập khẩu, NH cho vay vốn để mua nguyên vật liệu, hàng chưa về đến nơi thì giá đã giảm xa so với mức giá khi ký hợp đồng nhập khẩu. Giá giảm nhanh đã biến số hàng DN vừa nhập khẩu thành… hàng tồn kho. DN muốn giảm giá để đẩy hàng ra bán cũng khó vì sức mua kém, lại bị lỗ nặng.
Đang tồn tại một thực tế là NH muốn cho DN xuất khẩu, DN vừa và nhỏ vay vốn nhưng lại đụng hàng tồn kho, không có đầu ra. Chỉ khi nào giải quyết được đầu ra, giải phóng hàng tồn kho thì DN và NH mới có thể an tâm tính toán cho những hợp đồng tín dụng mới.
Tín dụng kéo dài mùa thấp điểm
Giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Nga cho biết có khách hàng không nhận hàng hoặc lùi thời gian giao hàng đến năm 2009. “Vấn đề chính của DN bây giờ không còn là LS mà là đầu ra, nếu không có đầu ra thì chỉ khoanh tay đứng nhìn” - ông nói. Các đơn hàng xuất khẩu dệt may, hạt điều, hạt tiêu, đồ gỗ… vào Mỹ, EU, Nhật đều giảm, có đơn vị giảm 20-30%; hàng thủy sản xuất khẩu vào Nga bị ứ đọng do khách hàng chậm thanh toán... So với ba, bốn tháng trước, LS hiện giờ cực rẻ nhưng nhu cầu vay cũng không bằng khi còn LS cao. Khi đó cả thế giới đang trong cơn sốt giá, bán giá nào cũng có người mua. LS cao vẫn làm vì có lời. Nay LS giảm nhưng dễ bị lỗ vì giá giảm quá nhanh.
Giám đốc một công ty thương mại tại TP.HCM thừa nhận thị trường xuất khẩu khó khăn, các DN trông vào thị trường nội địa. Hiện DN đang tranh thủ giảm giá để bán hàng tồn kho sau đó mới tính đến nhập hàng mới giá rẻ hơn vì vậy chưa cần vay tiền.
Phải có hướng xử lý nợ cũ
Tuy nhiên, các NH cũng cảnh báo dù DN có giải quyết được hàng tồn kho, có thị trường tiêu thụ, để khai thông tín dụng còn phải xử lý nợ cũ. Biến động giá vừa qua làm nhiều DN không trả được nợ. Để gỡ khó, NH Nhà nước đã có chủ trương để các NH cơ cấu lại nợ cho những DN gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới. Chủ trương này được NH và DN hoan nghênh, giúp DN giảm áp lực phải trả nợ, NH cũng không bị áp lực nợ xấu, qua đó có thể tiếp tục cho DN vay vốn.
Tuy nhiên, các NH cho biết rất khó thực hiện. Thực tế bình thường các NH vẫn được phép cơ cấu lại nợ theo quy định của NH Nhà nước. Lần này, việc phải thực hiện cơ cấu lại nợ có bối cảnh đặc biệt, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Vì vậy cần phải có giải pháp cơ cấu nợ linh hoạt, đặc biệt hơn mới giải quyết được khó khăn cho NH và DN.
Nhiều NH cho biết nếu họ giãn nợ cho DN nhưng theo quy trình thì phải chuyển và xếp khoản nợ này sang nhóm nợ tồn đọng cao hơn và phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn thì khác nào NH rước khó vào mình. Vì vậy, các NH đang đề nghị phải có cơ chế cơ cấu lại nợ linh hoạt hơn, phù hợp với hoàn cảnh đặc biệt thì mới sớm khai thông được tín dụng.
Ngày 10-12, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm LS cho vay với doanh nghiệp, ngắn hạn còn 13,2%/năm, giảm 1,2%/năm so với cuối tháng 11. Cho vay bằng VND theo hạn mức thấu chi hoặc bao thanh toán giảm còn 14,4%/năm. Với doanh nghiệp xuất nhập khẩu cam kết bán USD theo tỉ giá giải ngân LS 7,2%/năm, thấp hơn 0,3%/năm, thời hạn cho vay 180 ngày, LS không đổi trong suốt thời gian vay. LS cho vay vàng với khách hàng cá nhân xuống còn 6%/năm, cho vay qua thẻ tín dụng quốc tế là 1,15%/tháng (13,8%/năm). |
A. HỒNG - M.KHANH
(trích từ tuoitre,com.vn)