Chợ quê, rau mầm hút hàng

 

Rau xanh đứng giá, thịt lợn giảm nhẹ

Về quê ở Vĩnh Phúc cuối tháng 3 vừa rồi, chị Nguyễn Thúy Ngân, sống ở Cầu Giấy, Hà Nội bất ngờ khi thấy giá thức ăn rẻ chỉ bằng hai phần ba so với mức thường mua. Chị kể, 70.000 đồng một kg thịt lợn ba chỉ, 90.000 đồng một kg thịt thăn hoặc mông sân, 120.000 đồng cho một cân thịt bò loại ngon...

Trong khi sớm sớm đi chợ ở Hà Nội, chị thường mua thịt lợn loại rẻ nhất với giá 110.000 đồng. Thịt nạc thăn, chân giò có giá 130.000 đồng. "Bác mình sống ở quê bảo giá vậy là người bán đủ lãi, lợn hơi xuất chuồng chỉ có 54.000 đồng thôi. Họ nuôi, tự mổ rồi bán luôn nên rẻ", chị Ngân kể.

Ảnh: Xuân Ngọc
Giá cả đắt đỏ, chất lượng thực phẩm không rõ nguồn gốc khiến nhiều bà nội trợ tìm đến các chợ quê. Ảnh: Xuân Ngọc

Chưa hết, chị Ngân còn được nhiều người trong họ hàng mách ăn thực phẩm ở quê rất sạch. Bởi đa phần hàng hóa đều do người nông dân quanh vùng tự nuôi, tự trồng rồi đem bán. Theo đó, nếu nhà nào sử dụng chất cấm hay phun thuốc trừ sau cũng khó qua mắt được những hộ xung quanh.

Giá rẻ, đồ ăn lại được nhiều người trong nhà "dán tem" bảo hành nên trước khi lên Hà Nội, chị Ngân không quên đặt hàng một bác chạy chợ gần nhà. Theo lịch, chủ nhật hàng tuần, chị sẽ nhận được số lượng rau và thịt ăn trong 4-5 ngày với giá cả và chất lượng đều là hàng "quê xịn".

"Thấy bác bảo tiện chở luôn cho vài vị khách nữa trên Hà Nội nên mình cũng đỡ áy náy, dù từ đó lên đây cũng chỉ tầm 30 cây số. Mình cũng chỉ mua thịt, rau xanh là chính, để tủ lạnh, trong tuần cải thiện gì thì ra siêu thị mua thêm", chị Ngân tâm sự.

Cũng lo ngại về chất lượng thực phẩm nhưng không eo hẹp về kinh tế nên mới đây gia đình chị Lê Thu Thúy, sống ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội chuyển sang ăn rau mầm. Chị thường đặt hàng qua mạng, giá dao động từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng mỗi cân, tùy loại. Thừa nhận giá đắt gấp 5 lần rau xanh bình thường nhưng chị Thúy cho rằng rau mầm giàu dinh dưỡng hơn, vị ngon và không sợ thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực vật...

Theo đó, việc nhiều loại thực phẩm bị nghi nhiễm độc tại các chợ dân sinh ở Hà Nội vô tình lại trở thành cơ hội làm giàu cho không ít người buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ quê hay hộ kinh doanh rau sạch - rau mầm. Kinh doanh thịt lợn hơn 10 năm nay ở ga Tía, Hà Nội song khoảng 2 tháng gần đây, bác Lý, sống ở Thường Tín có thêm nghề mới. Bác kể, hàng ngày, ngoài việc ngồi bán thịt ngoài chợ, bác nhận chuyển hàng ra Hà Nội. Nếu khách nhờ mua hộ rau xanh, hoa quả, bác cũng sẵn lòng.

Tuy nhiên, bác Lý chỉ nhận giao hàng từ 14h hằng ngày với đơn hàng từ 500.000 đồng trở lên. Tính ra đến nay, bác Lý đã có 5 người khách quen ở Hà Nội, mang lại thu nhập thêm khoảng 1,5-2 triệu đồng mỗi tháng từ tiền lãi và phí vận chuyện. "Cũng vất vả hơn nhưng có cung thì có cầu, ai ăn hàng nhà mình cũng yên tâm nên người này mách người kia", bác nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, chuyên kinh doanh rau mầm qua mạng cũng cho hay, từ Tết ra, lượng khách tăng thêm khoảng 30%. Doanh thu theo đó được thêm 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng theo ông Hải, trồng và bán sản phẩm này, nếu không cẩn thận cũng có thể gặp khá nhiều rủi ro. Bởi đây là loại rau siêu ngắn ngày, chỉ 3-5 ngày là có thể thu hoạch. Sau khi cắt, nếu không bán nhanh, rau cũng rất dễ bị hỏng.

Theo kinh nghiệm của ông Hải, trước khi thu hoạch một ngày, ngưng tưới nước. Lúc cắt rau, dùng quạt để thổi cho rau khô ráo, xếp vào hộp nhựa có đục lỗ, cất tủ lạnh ngăn mát. Ngoài ra, từ khi kinh doanh mặt hàng này, nhà ông luôn phải cắt cử người ở nhà để phục vụ, khách gọi đặt chỉ 30 phút sau là được có hàng tận nhà. Điều đó giúp nhà ông thu hút đông khách, bán nhanh và cân đối lượng sản phẩm cần tiếp tục sản xuất.

>> 5 mặt hàng thiết yếu tăng giá ‘khủng’ nhất 2011

Xuân Ngọc


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1784
Số người truy cập:
11565574