'Chính phủ sẽ giải trình băn khoăn về mở rộng Hà Nội'

"Một đại biểu nói, nếu không thông qua Nghị quyết mở rộng Hà Nội tại kỳ họp này thì sẽ thành một quy hoạch "treo" khổng lồ. Tôi nghĩ đó là ý kiến xác đáng", Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, chiều 22/5.
Lùi ngày thông qua nghị quyết mở rộng Hà Nội

- Thưa ông, tại sao Nghị quyết về mở rộng Hà Nội đã không được trình thông qua hôm nay như dự kiến?

- Trong phiên thảo luận vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến rất xác đáng. Các cơ quan cần có thời gian chuẩn bị giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu còn băn khoăn về đề án. Hiện Chính phủ đã giao cho các bộ chuẩn bị.

Lịch cụ thể về thời gian thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội và một số tỉnh sẽ do Thường vụ Quốc hội quyết định.

- Một trong những băn khoăn của đại biểu là diện tích Hà Nội trong đề án là quá rộng (hơn 3.300 km2, gấp hơn 3 lần hiện nay) và nằm trong top thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Chính phủ sẽ giải trình vấn đề này thế nào?

- Hà Nội với diện tích trên 3.300 km2 là một trong 5 phương án đã được so sánh và lựa chọn. Trong 100 thành phố lớn nhất thế giới, có khoảng 16-17 thành phố có diện tích 3.000 km2. Băn khoăn của đại biểu cũng là xác đáng bởi vì thủ đô lớn như thế thì quản lý như thế nào? Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục giải trình, làm rõ những những băn khoăn ấy. 

- Một số ý kiến cho rằng, thủ đô chỉ cần là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế tri thức, còn mô hình đô thị lớn với động lực công nghiệp đã lỗi thời, sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Chính phủ xem xét vấn đề trên như thế nào?

- Thủ đô phát triển lớn mạnh hay không phụ thuộc vào chức năng của nó. Thủ đô Hà Nội thuộc loại đa năng, mà thủ đô đa năng có chức năng trung tâm kinh tế. Đây là vấn đề đã được xác định từ trước và Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị cũng như Pháp lệnh thủ đô cũng đã nói rõ vấn đề này. Ngoài ra việc xác định chức năng kinh tế của Hà Nội tương lai cũng trên cơ sở thực tiễn địa hình, địa lý...

Vấn đề là trong tương lai Hà Nội phát triển kinh tế thế nào, ví dụ phát triển công nghệ cao, hàm lượng chất xám cao, đảm bảo cho môi trường... 

Nhiều dự án lớn đang được triển khai ở Hà Tây - tỉnh dự kiến hợp nhất vào Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà.

 - Ông sẽ nói gì trước ý kiến việc mở rộng Hà Nội ngay trong năm nay là vội vã và làm tăng gánh nặng ngân sách trong bối cảnh lạm phát tăng cao?

- Việc Quốc hội đang thảo luận về mở rộng thủ đô là bài toán lâu dài, tính toán trong vài chục năm, còn vấn đề lạm phát có tính ngắn hạn. Băn khoăn về thời điểm mở rộng chủ yếu xuất phát từ lo lắng về nguồn kinh phí, ngân sách, chuẩn bị về bộ máy, sau khi sáp nhập. Chính phủ sẽ có giải trình rõ thêm trước Quốc hội.

- Nếu đề án được thông qua, từ nay đến 2015, cần bao nhiêu vốn đầu tư phát triển Hà Nội?

- Đây cũng là vấn đề trong báo cáo bổ sung của Chính phủ đề cập. Hơn 20 năm đổi mới, chúng ta đã huy động được nhiều nguồn lực, nếu dự án đô thị của các doanh nghiệp thì nhà nước đâu phải bỏ vốn. Theo tôi, vấn đề chủ yếu là có quy hoạch, cơ chế, chính sách hợp lý để tạo ra nguồn lực.

- HĐND 4 tỉnh, thành đã thông qua việc điều chỉnh địa giới và nhiều địa phương đang chờ đợi sáp nhập. Nếu Quốc hội không thông qua Nghị quyết mở rộng Hà Nội tại kỳ họp này, hệ lụy sẽ như thế nào?

- Khi Quốc hội đang thảo luận về vấn đề này, tôi biết người dân các địa phương cũng đang theo dõi, lắng nghe. Vừa qua, HĐND 4 tỉnh, thành cũng đã biểu quyết tán thành việc mở rộng.

Hôm trước, thảo luận ở hội trường, có một đại biểu đã nói rằng nếu chúng ta không thông qua đề án mở rộng Hà Nội tại kỳ họp này thì sẽ trở thành một quy hoạch treo khổng lồ. Tôi nghĩ đó cũng là ý kiến xác đáng. Chúng ta đã nêu ra một hướng Hà Nội mở rộng, nhưng giờ không thế nữa thì chẳng là quy hoạch treo thì sao? Nếu nói rằng, không thông qua ở kỳ họp này thì thông qua ở kỳ sau, rõ ràng tạo tâm lý chờ đợi.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3610
Số người truy cập:
4766968