Chế tạo quan tài từ giấy phế liệu

 Tôi là một thanh niên trẻ, chưa đến 30 tuổi thì kinh nghiệm sống không thể nói là nhiều. Song cũng như nhiều người trẻ khác, tôi rất lo lắng rồi vài chục năm nữa khi tôi về già cuộc sống này sẽ thay đổi như thế nào khi môi trường sống ngày càng tệ hơn, tiêu cực hơn. Từ cái thời cắp sách đến trường đến giờ mới có chưa đến ba mươi năm mà tôi thấy sự thay đổi đã chóng mặt. Hiện đại thì có đấy nhưng những tổn thương của con người gây ra cho môi trường thì cũng không ít. Hậu quả đã rất rõ ràng rồi.

Tôi rất thích làm được một điều gì đó đặc biệt nhằm đóng góp một phần sức lực, khả năng của mình cứu vớt mẹ thiên nhiên. Và từ nhiều năm nay tôi luôn ấp ủ một khát khao, một ước mơ mà nhiều người gọi là “điên rồ”: Sản xuất ra những chiếc quan tài làm từ giấy đã qua sử dụng, vật liệu tái chế thân thiện với môi trường.

Có lẽ nhiều người đọc đến đây sẽ sốc và cảm thấy khó chịu vì ý tưởng có phần kì cục, có cảm giác tôi khinh thường người đã khuất quá. Nhưng không mọi người ạ, tôi đã đủ trưởng thành để hiểu mình muốn gì và cần làm gì. Tôi đã nảy sinh ý tưởng này cách đây 2 năm khi xem một mẩu tin về những loại quan tài thân thiện với môi trường ở Anh, Pháp và một số nước châu Âu phát triển, được nhiều người quan tâm và thích thú.

Với công nghệ phát triển và lượng rác thải quá lớn của xã hội hiện đại, nguồn nguyên liệu sản xuất các loại sản phẩm từ giấy đã qua sử dụng trở thành một nhu cầu bức thiết. Đương nhiên những ý tưởng mang tính đột phá và quá mới mẻ thì khó được chấp nhận, hoan nghênh. Ý tưởng của tôi mới mẻ, độc đáo nhưng có lẽ nó sẽ đối mặt với nhiều rào cản. Và đây là những câu hỏi mà người ta có thể đặt ra cho tôi:

Từ đâu bạn có ý nghĩ này? Mục tiêu của bạn là gì với ý tưởng lạ đó?

Trả lời: Từ chính yêu cầu của cuộc sống hiện đại, từ chính những bức xúc về chất lượng môi trường sống. Tôi luôn tự hỏi tại sao lại để việc đưa tiễn một người đã khuất, đã an nghỉ về đất mẹ mà lại ảnh hưởng không tốt đến những người còn sống. Nếu được nói thì những người đó đồng ý cách làm của người còn sống hay không, có nên không?

Tôi đặt mục tiêu về cả mặt xã hội lẫn kinh doanh tài chính từ suy nghĩ của mình. Tôi vẫn muốn tạo nên những sản phẩm phù hợp yêu cầu của con người, vẫn muốn kinh doanh có lời, nhưng đồng thời việc kinh doanh của tôi có ảnh hưởng tích cực đến môi trường, thay đổi tích cực về cách nhìn nhận ma chay, tang gia ở đất nước ta.

Ảnh do tác giả cung cấp.
Ảnh do tác giả cung cấp.

Giấy tái chế cũng là từ gỗ cây làm ra? Chúng khác nhau gì đâu?

Trả lời: Khác nhau chứ, khác xa nữa là đằng khác. Khi một người chết thì việc làm một chiếc quan tài bằng gỗ cây, thường là gỗ tốt sẽ dẫn tới cái chết của một cây khỏe mạnh, có độ tuổi vài chục đến cả trăm năm. Còn giấy đã qua sử dụng ở các trung tâm, thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội hiện rất nhiều. Chúng ta đã tái chế được bao nhiêu? Còn lại bao nhiêu phí phạm, chưa dùng đến?. Tại sao không biến giấy và những loại rác đó thành những chiếc quan tài thân thiện với thiên nhiên sống.

Bạn có đảm bảo được khả năng chống thấm cũng như độ bền của loại quan tài từ giấy và vật liệu đã qua sử dụng không?

Trả lời: Khoa học ngày càng phát triển, những tiến bộ khoa học đã đang và sẽ là cầu nối đưa con người đến những chân trời mới. Việc sản xuất loại quan tài thân thiện này bước đầu chắc chắn sẽ có những khó khăn không thể tránh khỏi và đó là những khó khăn không dễ vượt qua. Việc xác định độ chống thấm nước, độ bền của loại quan tài cũng đã được tôi tính đến. Tôi có thể nói sẽ giải quyết được thông qua cho thêm vào quá trình sản xuất các loại hóa chất, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật cải tiến quy trình sản xuất, chỉ cần một chiếc quan tài tái chế có khả năng chống chịu từ 3 đến 5 năm là đạt yêu cầu rồi.

Bạn có thấy rằng việc cho người đã khuất vào một chiếc quan tài bằng vật liệu tái chế là rất thiếu tôn trọng, là khinh thường người đã khuất nếu không nói là tội ác không?

Trả lời: Có lẽ đây là một câu hỏi khó và có rất nhiều người muốn hỏi tôi câu hỏi này. Ở xã hội chúng ta hay các nước thì người đã khuất lúc nào cũng cần được tôn trọng. Lý do vì họ đã khuất, đã an nghỉ, họ cần được tôn trọng. Song nếu hỏi rằng chúng ta tôn trọng họ là làm những chiếc quan tài bằng gỗ loại tốt, đắt tiền thì có đúng như người đã khuất mong muốn không? Cá nhân tôi cũng như nhiều thanh niên và những người tiến bộ sẽ chẳng thấy vui vẻ gì khi nhắm mắt xuôi tay với quan niệm đó. Với tất cả lòng kính trọng với những người đã khuất thì tôi chắc chắn sau này tôi sẽ chẳng có một chút gì an lòng khi biết vì cái chết của mình mà:một cây xanh đang tươi tốt bị đốn ngã, thêm một mét vuông đất rừng bị thóai hóa, tầng ozon lại gồng lưng gánh đỡ sự ô nhiễm, rồi sẽ là tiền đề của hạn hán, của lũ lụt, của những tai họa thiên nhiên. Sau này chết đi tôi tin cá nhân mình cũng như nhiều người cảm thấy an lòng vì nằm trong một chiếc quan tài tái chế thân thiện với môi trường. Tôi vẫn luôn cảm nhận việc đốn cây lấy gỗ tốt mặc dù là tỏ rõ lòng kinh trọng cho người đã khuất nhưng cũng là gây nên những tội ác cho môi trường và thế hệ sau này.

Việt Nam chúng ta là một nước Á Đông nên việc áp dụng quan tài từ vật liệu vào tái chế là rất khó khăn, bạn có nghĩ nó sẽ không thực hiện được trong một thời gian dài không?

Trả lời: Vâng! Đúng vậy sẽ không đơn giản để thay đổi cách nhìn, cách nghĩ trong tang lễ, ma chay của người Việt trong một sớm một chiều. Do đó tôi đã tự đặt cho mình những mốc thời gian quan trọng thành từng bước là: sản xuất thử nghiệm – xâm nhập thị trường – quảng bá sản phẩm thay đổi dần quan niệm của người dân – mở rộng các chi nhánh – tập trung phát triển chất lượng, mẫu mã sản phẩm – mở rộng sản xuất sau khi đã ổn định lượng khách hàng. Mục tiêu của tôi không phải là việc buôn bán mà còn là những tác động về mặt nhận thức xã hội, những tác động tích cực cho môi trường, môi sinh.

Mô hình này đã có ai áp dụng chưa và kết quả đạt được như thế nào?

Trả lời: Ở một số nước châu Âu mà đặc biệt là Anh, Pháp quan tài bằng vật liệu tái chế đã được sản xuất và bán rộng rãi nhiều năm qua. Những ưu điểm về chất lượng không hề thua kém sản phẩm gỗ tự nhiên, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh và thân thiện môi trường đã thu hút người tiêu dùng. Đây là động lực và tôi tin vào thế hệ sau này người dân Việt Nam cũng sẽ sử dụng sản phẩm này vì mục đích cao đẹp.

Tôi thấy việc hỏa táng là hay nhất vì hiện nay diện tích đất mà con người có thể sử dụng đang giảm dần. Hỏa táng ngoài tiết kiệm còn vệ sinh, sạch sẽ. Nhưng cũng vì thế sẽ rất phí phạm khi dùng gỗ tốt, gỗ thiên nhiên cho mục đích này. Hãy dùng quan tài tái chế để hỏa táng sẽ kinh tế hơn, hiệu quả hơn, tốt cho môi trường hơn, giáo dục cho mọi người nhận thức hơn về ma chay, tang lễ tiến bộ.

Bạn đã bắt đầu ý tưởng của mình đến đâu và sẽ thực hiện nó như thế nào trong thời gian tới?

Trả lời: Tất cả ý tưởng này cũng chỉ mới là lý thuyết và nó cần nhiều yếu tố để hiện thực hóa. Tôi đã trình bày với nhiều người và nhận được những phản hồi tích cực từ thầy cô, bè bạn và đồng nghiệp. Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, nuôi dưỡng và tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án của mình, biến nó thành sản phẩm thực tế.

Tôi biết sẽ không đơn giản chút nào và tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều nếu muốn ý tưởng này trở thành hiện thực. Tôi muốn gởi những lời tâm huyết này để mọi người đọc và suy ngẫm về những gì đã, đang và sẽ xảy ra khi môi trường sống đi xuống. Mọi người ai cũng mong muốn đóng góp cho môi trường nhưng đã mấy ai làm gì cho môi trường tốt đẹp hơn. Tôi chỉ mong ý tưởng của mình một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực và đó là cách tôi đóng góp cho xã hội này đẹp hơn, môi trường quanh mình sạch hơn.

 
    •   
    • Tổng số: 12 lượt
    •  
 

Từ ngày 27/2 đến 27/8, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Bảo vệ môi trường" dưới dạng bài viết, chùm ảnh, video mô tả thực trạng môi trường hư ô nhiễm không khí, nước...; đề xuất các sáng kiến bảo vệ hoặc nâng cao chất lượng môi trường; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với bài dự thi là ảnh, độc giả gửi tối thiểu là 5 bức và tối đa 10 bức. Các bức ảnh cần có chú thích rõ ràng, dễ hiểu, có chú thích về địa danh, bối cảnh chụp. Chiều ngang của ảnh là 480 px. Dung lượng mỗi ảnh không vượt quá 10 MB. Đối với bài dự thi là clip, video, thời lượng tối thiểu 90 giây, thời lượng tối đa 3 phút, dung lượng dưới 100 MB.

Bài viết được thể hiện trên Word có độ dài không quá 1.500 từ, ảnh minh họa cho bài viết được gửi riêng, không “dán” vào Word và phải có chú thích rõ ràng cho ảnh.

Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây.

Gửi bài dự thi tại đây

Mai Đức Dũng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
26128
Số người truy cập:
9197119