Kết luận trên được đăng tải trên tạp chí sức khỏe The Lancet, Reuters đưa tin. 37 chuyên gia từ 16 quốc gia đã dành ba năm nghiên cứu để tìm ra chế độ ăn mang tên "sức khỏe hành tinh" có lợi cho cả nhân loại lẫn trái đất.
Bằng cách giảm 50% thịt đỏ, đường và tăng gấp đôi lượng hạt, trái cây, rau củ, con người sẽ tránh được 11 triệu cái chết sớm mỗi năm, hạn chế khí thải nhà kính, bảo tồn nguồn nước, đất cũng như đa dạng sinh học.
Ảnh: Jakarta Post. |
Theo ông Tim Lang, giáo sư Đại học London (Anh), đồng tác giả công trình trên, lượng thực phẩm con người ăn và cách sản xuất chúng tác động mạnh mẽ đến sức khỏe của cả nhân loại lẫn hành tinh. Nếu không thay đổi thói quen ăn uống, cải thiện cách thức sản xuất và giảm lãng phí thức ăn, đến năm 2050, trái đất sẽ không còn đủ thực phẩm nuôi sống 10 tỷ người.
Trên thực tế, có hàng loạt căn bệnh mạn tính đe dọa tính mạng liên quan đến chế độ dinh dưỡng nghèo nàn như béo phì, tiểu đường, suy dinh dưỡng và một số dạng ung thư. Các nhà khoa học cho biết ăn uống phản khoa học gây ra nhiều bệnh tật và cái chết hơn quan hệ tình dục không an toàn, đồ uống có cồn, ma túy và thuốc lá cộng lại.
Với phát hiện trên, các nhà khoa học hy vọng thế giới sẽ tiếp nhận và chấm dứt sự bất bình đẳng về tiếp cận thực phẩm.
"Hơn 800 triệu người đang bị thiếu thức ăn trong khi nhiều người khác lại ăn quá nhiều dẫn đến tử vong sớm và bệnh tật", giáo sư Walter Willett từ Đại học Harvard (Mỹ) nhận định. "Nếu không thể chấm dứt hoàn toàn vấn đề này thì ít nhất chúng ta cũng nên thử".