Cấp tốc đi học bếp núc cho Tết

 Trưa ngày đầu tháng Chạp, trong một lớp học nấu cỗ ở quận 1, TP HCM Hồng Anh chăm chú ghi chép công thức luộc "gà cánh tiên". Cô tìm được khóa học này trên mạng xã hội, học phí 700.000 đến một triệu đồng mỗi buổi. Với các món dễ, Hồng Anh được học trực tuyến kèm đọc tài liệu, riêng những món khó như thịt đông, canh măng, bánh chưng, gà luộc cánh tiên, cô đến lớp trực tiếp.

Buổi đầu tiên, Hồng Anh "đánh vật" học cách phân biệt gà non, gà già và những phương pháp làm sạch. Trước đây, cô gái quê Hà Nội nghĩ chỉ cần cho nước là luộc được gà nhưng khi thực hành cô mới nhận ra vì luộc sai cách nên gà chỉ chín bên ngoài, bên trong vẫn sống. Đến lớp, giảng viên hướng dẫn cô các thao tác để luộc gà có màu vàng ươm, đầu ngẩng cao, cánh vươn, da căng bóng và không bị nứt đùi.

Sau hai tuần học, Hồng Anh đã có thể gói và tạo hình bánh chưng đẹp. Cô cho biết giờ đây nấu ăn không còn cảm tính, định lượng gia vị bằng cân tiểu ly.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được những món phức tạp thế này", cô gái nói. "Cả năm chỉ lo làm việc đến ăn cũng qua quýt nên Tết năm nay tôi quyết định đảm đương cỗ cho bố mẹ đỡ vất vả".

Một nữ học viên theo học lớp cấp tốc nấu các món ngày Tết của đầu bếp Ngô Doãn Lệnh, tháng 1/2024 ở Hà Nội. Ảnh Nhân vật cung cấp

hu Thảo, 24 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội lại dành một ngày để đăng ký lớp học cắm hoa. Cô nói trước đây mỗi dịp Tết chỉ biết mua một loại hoa rồi cắm hết vào bình. Sau buổi học hai tiếng, Thảo bắt đầu hứng thú với việc phối màu sắc hoa theo độ đậm nhạt khác nhau. Cô nhận ra việc chọn dáng bình cũng quan trọng.

Thảo dự tính Tết năm nay sẽ cắm đào đông kết hợp với thược dược đỏ, thêm chút trắng của hoa ly. Cô cũng đầu tư vài triệu đồng mua bình hoa gốm để nhìn nghệ thuật hơn và tôn lên vẻ đẹp của hoa. "Tôi sẽ chụp ảnh những bình hoa đầu tay của mình để đăng mạng xã hội", cô nói.

Khảo sát nhanh của VnExpress, từ đầu tháng 1/2024 ở TP HCM và Hà Nội đã xuất hiện khoảng 30-40 lớp học nấu ăn, cắm hoa, pha chế với mục tiêu chuẩn bị cho Tết.

Đầu bếp Ngô Doãn Lệnh - giảng viên ẩm thực trung tâm L.Q.T Kitchen (Hà Đông, Hà Nội) cho biết chỉ tính riêng trong tháng Chạp có khoảng 200-300 học viên ở độ tuổi 25-35 đăng ký tham gia các khóa nữ công gia chánh, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Học phí mỗi buổi từ 500.000 đến một triệu đồng.

Đa số học viên theo học khóa cấp tốc một buổi (3-4 tiếng) để nắm được kỹ năng, công thức cơ bản các món như thịt đông, gà luộc, bánh chưng, nem rán, miến xào.

Anh Lệnh cho biết các món cỗ Tết miền Bắc thường cầu kỳ, đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Ví dụ món gà luộc cũng dựa vào nguyên liệu gà non hay già để tính thời gian. Gà phải vừa luộc vừa ngâm để có màu vàng đẹp, chín đều, không bị rách da. Ngoài ra, học viên cũng có nhu cầu biết cách trang trí món ăn, tỉa hoa ớt hoặc hoa hồng cắm vào miệng gà, xếp nem rán.

Giới trẻ học nữ công gia chánh chuẩn bị Tết - 1

Từ đầu tháng 12/2023, tiệm hoa của chị Nguyễn Ngọc ở quận 3, TP HCM đã đón số lượng học viên tăng 50% so với năm ngoái. Người học ở độ tuổi 25-35, chi trả từ 850.000 đến một triệu đồng, tùy thuộc theo loại hoa thực hành là nội địa hay nhập khẩu.

Chị Ngọc cho biết học viên có nhu cầu tìm hiểu các kiểu cắm dáng bay bổng, mềm mại như tuyết mai, mao lương, hoa ren để chưng Tết. Họ muốn thay đổi kiểu cắm truyền thống như mỗi bình chỉ một loại, cắm dày hoa. Một số người chọn lớp một thày kèm một trò để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao kỹ thuật cắm.

Anh Lưu Thanh Vịnh, giám đốc Học viện đào tạo pha chế Mision cũng ghi nhận hàng trăm học viên độ tuổi 19-25 đến học pha chế. Khác với mọi năm, họ không học để trở thành bartender mà có mục đích pha đồ uống cho gia đình, bạn bè dịp Tết.

Trong đó có Bảo My, 24 tuổi ở TP HCM. Cô sẽ đón gia đình bạn trai người nước ngoài về Việt Nam trong dịp Tết Giáp Thìn. Để chuẩn bị, My chi 5 triệu đồng cho khóa ba buổi học pha chế đồ uống. Hiện tại, My đã tự tin với món sinh tố, cô biết cách chọn màu sắc trái cây để kết hợp.

"Tôi muốn tạo ấn tượng với họ", cô nói. "Dù đã nắm được cơ bản nhưng tôi vẫn pha chế thường xuyên ở nhà để không quên".

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, trưởng khoa Văn hóa học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết sự nở rộ các lớp nấu ăn và workshop dành cho Tết là tín hiệu đáng mừng từ nhu cầu hướng về truyền thống của người trẻ.

Những năm gần đây, nhu cầu này thể hiện qua cách họ chọn cổ phục, áo dài để chụp ảnh, dạo phố, quan tâm và thảo luận về Tết truyền thống. "Họ đã được học hỏi nền văn hóa đông, tây và tìm câu trả lời về bản sắc của mình", ông Thơ nói. Vì thế, người trẻ bắt đầu có mong muốn được tự thực hiện cắm hoa Tết, nấu các món như thịt kho trứng, bánh tét, dưa muối, củ kiệu hay giò đông.

Ông Thơ cho rằng các lớp học trên tạo điều kiện để họ biết thêm về sự đa dạng văn hóa. Ví dụ như mâm cỗ miền Bắc tinh tế, nhiều chi tiết cầu kỳ, miền Nam tương đối giản dị và gắn liền với đời sống hơn.

Ngọc Trang, 24 tuổi, ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đồng ý với quan điểm trên. Tuy nhiên, cô cho rằng việc thuần thục nữ công gia chánh qua vài buổi học là điều không thể.

Trang chi một triệu đồng cho buổi học nấu cỗ giao thừa. Buổi học chỉ kéo dài vài giờ nên cô không nhớ hết các bước.

Trang vừa cầm tờ công thức, vừa nấu ăn ở nhà nhưng kết quả không như mong đợi. Chõ xôi của Trang hạt nhão hạt cứng, hoa tỉa bị méo. Cô buộc phải học thêm các video hướng dẫn nấu ăn trên YouTube.

"Muốn nấu ăn ngon phải luyện tập thường xuyên", cô nói.

Thanh Nga - Ngọc Ngân


Giày Đại Phát solution
Số người online:
859
Số người truy cập:
4760160