Cảnh giác với những bất ổn của nền kinh tế

 
Nhập siêu tiếp tục gây áp lực lớn lên cung cầu ngoại tệ - ảnh: D.Đ.Minh 
 
* Ông đánh giá như thế nào về 3/4 chặng đường mà kinh tế VN đã đi qua trong năm 2010?

 

 

Ông Hà Văn Hiền - ảnh: N.T.Tâm

 

- Mục tiêu lớn trong năm 2010 mà chúng ta đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. Kết thúc 8 tháng qua và dự báo cả năm 2010 cho thấy, hầu hết các mục tiêu trên cơ bản đạt được. Bằng chứng là GDP, các ngành công nghiệp, nông nghiệp đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt chỉ số lạm phát được kiềm giữ ở mức 5% và khả năng giữ mức trên dưới 7% cả năm. Bội chi ngân sách dưới 7% và kết thúc năm có khả năng dưới 6%.

Về xuất khẩu, mặc dù khá thận trọng nhưng giờ đạt được con số rất khá, dự kiến cả năm tăng 19%. Nhập siêu có thể kiềm giữ ở mức dưới 20%, con số lâu nay chúng ta kỳ vọng. Các vấn đề xã hội cũng có những điểm tiến bộ rõ rệt, chẳng hạn 8 tháng giải quyết việc làm cho trên 1 triệu lao động và cả năm đạt mức hơn 1,6 triệu. Trong bối cảnh chung, kết quả trên đáng ghi nhận và có ý nghĩa quan trọng.

* Những chính sách tích cực của Chính phủ đã tác động như thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?

 - Tôi cho rằng phản ứng chính sách và điều hành của chúng ta có tiến bộ. Ngay từ đầu năm, Chính phủ tập trung cho ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Nói điều đó bởi tháng 10.2009, khi QH họp, thì ổn định kinh tế vĩ mô chưa được đặt lên ưu tiên hàng đầu mà chỉ ưu tiên thứ ba. Trong nghị quyết của QH, vấn đề này nằm ở vế thứ nhất, cùng với tăng trưởng là ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng bắt tay vào năm 2010, Chính phủ đã ưu tiên ổn định vĩ mô lên cao nhất.

Những năm gần đây, phản ứng chính sách của chúng ta kịp thời hơn chứ không như ở thời điểm cuối 2007, đầu 2008. Lúc đó, vấn đề xảy ra rồi mới đưa ra chính sách, nên không kịp thời và hiệu quả không cao. Nhưng năm nay, chuyện này đã được khắc phục. Ví dụ, Chính phủ đưa ra giải pháp kiềm chế lạm phát từ đầu năm, được thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả. Nhiều ý kiến phàn nàn chính sách tiền tệ, nhưng chính sách của chúng ta đi theo hướng mà mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội 2010 đề ra. Ngân hàng Nhà nước cũng chịu sức ép, bởi vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa kiềm chế lạm phát.

* Tuy nhiên, thưa ông, bên cạnh tiến bộ còn nhiều điểm cho thấy tính ổn định, tính vững chắc của kinh tế VN chưa cao?

 

 “Năm 2011 nên tập trung cơ cấu lại đầu tư công theo hướng ưu tiên cho việc đầu tư đồng bộ các công trình giao thông, do đó vẫn phải bội chi ngân sách nhưng nên chỉ ở mức 5% GDP; chỉ tiêu nhập siêu nên giảm còn 15%...” - Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM. 

“Một số vấn đề cần quan tâm trong năm 2011 của kinh tế VN là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể chưa đạt mức dự tính, do triển vọng kinh tế toàn cầu khá bấp bênh; việc quá phụ thuộc vào sự tăng trưởng tín dụng có thể dễ dàng gây lạm phát và tạo áp lực lên cán cân thanh toán; thâm hụt ngân sách và nhu cầu đầu tư dự kiến có thể nợ công vượt ngưỡng 50% GDP...”

Ông Alex Warren Rodriguez, UNDP Vietnam.

- Những tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn tồn tại. Chẳng hạn, lạm phát so với các nước trong khu vực và thế giới còn rất cao; thâm hụt thương mại còn lớn, tích tụ từ nhiều năm nên dẫn tới thâm hụt cán cân thanh toán và dự trữ ngoại tệ lớn. Năm 2010 thành tích xuất khẩu tốt nhưng nếu loại trừ một số yếu tố, ví dụ như xuất khẩu đá quý, thì nhập siêu vẫn trên 20%; hoặc chính sách tiền tệ có nhiều vấn đề như lãi suất rất cao; chính sách tỷ giá thay đổi liên tục...

 

Một điểm nữa là bội chi ngân sách còn lớn, nợ công còn cao. Đặc biệt hiệu quả đầu tư công rất thấp. Ngoài ra, phối hợp chính sách chưa tốt. Ví dụ xuất khẩu tiến bộ, nhưng có những mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu thì lại tăng rất cao, trên 37%; những mặt hàng hạn chế nhập khẩu cũng tăng.

* Tại hội thảo Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng vừa diễn ra ở TP.HCM, ông quan tâm đến những khuyến nghị nào nhất của các chuyên gia?

- Đó là quản trị công, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng vốn đầu tư ngoài khu vực công; tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó lưu tâm đến cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường phối hợp chính sách giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ để làm sao có chính sách kịp thời hơn, đồng bộ hơn, minh bạch hơn và phân cấp thực hiện rõ ràng hơn. Trong thực tế có nhiều, như việc chúng ta quan tâm đến tiêu thụ nông sản, nhưng chính sách ban hành lẽ ra người nông dân được hưởng thì lại là doanh nghiệp. Cải cách tài chính, chính sách lãi suất, tỷ giá làm sao tạo niềm tin cho thị trường nhiều hơn...

N.Trần Tâm (thực hiện)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
27996
Số người truy cập:
11197038