Cách nào hạ nhiệt giá hàng hóa?

 Sau 4 lần giảm liên tiếp với mức hạ hơn 6.500 đồng một lít, giá xăng dầu đã về lại mức tương đương hồi đầu năm. Tuy nhiên, phản ánh của người tiêu dùng lại cho thấy, một số mặt hàng hoá, dịch vụ không chuyển động cùng chiều với xăng dầu khi vẫn giữ giá, neo cao.

Nói về hiện tượng này tại toạ đàm về giải pháp cho giá xăng dầu giảm, hàng hoá không giảm chiều 4/8, bà Đinh Thị Nương, Phó cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) giải thích, nguyên nhân chính đến từ độ trễ trên thị trường. "Các doanh nghiệp phải rà soát lại yếu tố chi phí hình thành giá, rồi mới xác định mức giảm theo giá xăng dầu", bà nói.

Đồng tình với việc điều chỉnh giá cần có độ trễ, nhưng chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng thời gian trễ chỉ nên kéo dài vài tuần thay vì cả tháng như hiện nay. Ông cho rằng các cơ quan quản lý cần vào cuộc mạnh hơn trong rà soát, tìm các bất cập.

Phản hồi lại, bà Nương cho biết, Bộ Tài chính đã cùng các bộ ngành khác kiểm tra, kê khai những mặt hàng chịu ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Trường hợp nào có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị kê khai kịp thời. Với mặt hàng xăng dầu, yếu tố chính đẩy chi phí sản xuất lên cao, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các phương án điều chỉnh thuế như VAT, thuế nhập khẩu ưu đãi MFN...

Trong khi đó, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) đề cập đến việc cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh không cần thiết, tạo môi trường làm ăn thuận lợi, giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, ông cũng cho biết, bộ đang áp dụng thêm công nghệ thông tin giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm hơn.

Các chuyên gia (từ trái sang phải) ông Vũ Vinh Phú; bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) tại toạ đàm chiều 4/8. Ảnh: VGP

Bên cạnh các biện pháp liên quan đến kinh tế, kỹ thuật, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, để giữ mặt bằng giá, cần đảm bảo được nguồn cầu hàng hoá, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là tiết giảm ở các khâu trung gian.

"Một kg thịt lợn từ trang trại đến điểm bán lẻ tăng giá thêm 170% vì khâu trung gian. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, cần phải tiếp tục khắc phục", ông Phú nói. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, cần làm ngắn lại quãng đường của chuỗi cung ứng từ nơi sản xuất đến điểm bán cũng như luật hoá phần phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị. Mặt khác, để minh bạch về giá bán, Việt Nam cần đẩy mạnh đến hạ tầng thương mại.

"Tôi điểm mấy chục chợ đầu mối thì chưa chợ đầu mối nào có sàn giao dịch. Tất cả giao dịch hiện nay nói vui là mua dấm bán dúi, ép giá nhau, không công khai", ông Phú nhận xét.

Nói thêm, ông Cấn Văn Lực lưu ý, không nên phản ứng thái quá với giá cả vì kỳ vọng tới đây của thị trường là các mặt hàng nhiên liệu, thực phẩm trên toàn cầu sẽ đi theo xu hướng hạ nhiệt.

"Việc lo lắng quá mức với lạm phát sẽ khiến chúng ta siết chặt các biện pháp, không dám làm gì, từ đó có thể khiến kinh tế đình trệ, thiếu nguồn cung về lâu dài. Điều này lại khiến giá cả leo thang", ông nói. Theo ông, tâm lý lạm phát rất quan trọng, nếu hạn chế được việc này, sẽ giúp hàng hoá tránh được hiện tượng "tát nước theo mưa".

Đức Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
10051
Số người truy cập:
4774967