Theo hướng dẫn của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), để gửi hồ sơ tại nhà, trước tiên người dân truy cập ứng dụng VNeID, vào mục Thủ tục hành chính, chọn tiện ích Cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Sau khi nhập mật khẩu ứng dụng (passcode), công dân chọn Tạo mới yêu cầu, để đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp cho mình hoặc người thân trong gia đình đã được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Mục Cơ quan thực hiện, công dân chọn Sở Tư pháp Hà Nội hoặc Thừa Thiên Huế, tùy theo nơi cư trú. Nếu là công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam; cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, chọn mẫu phiếu lý lịch tư pháp số 1.
Nếu là cơ quan tố tụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử hoặc cá nhân có nhu cầu biết nội dung về lý lịch tư pháp bản thân, thì chọn mẫu số 2.
Tiếp theo, công dân chọn mục đích cấp phiếu lý lịch tư pháp như bổ sung hồ sơ công chức viên chức, hồ sơ du học, hồ sơ xin việc, bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cấp visa đi nước ngoài, cư trú nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài...
Ngoài bản điện tử được cấp trên VNeID, công dân có thể chọn cấp thêm bản giấy và nhận tại bộ phận một cửa địa phương hoặc qua bưu điện chuyển về nhà.
Người dân cũng cần điền đủ thông tin nơi sinh, email, số điện thoại, địa chỉ nhận bản giấy và thanh toán phí trực tuyến.
Hồ sơ hợp lệ qua VNeID sẽ được giải quyết trong 10 ngày làm việc, với mức phí 200.000 đồng. Người dân đề nghị cấp thêm 2 bản giấy lý lịch tư pháp sẽ không mất thêm phí, từ phiếu thứ ba tính thêm 5.000 đồng/phiếu.
"Từ ngày mai, người dân có thể lựa chọn cấp phiếu lý lịch tư pháp điện tử trên VNeID, không phải mất thời gian, công sức đến và chờ đợi ở Sở tư pháp như trước", đại tá Vũ Văn Tấn, Cục phó C06 nói và nhấn mạnh việc này mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. C06 tính toán, hình thức này giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Hơn nữa, phiếu lý lịch tư pháp điện tử có thể sử dụng nhiều lần, nộp ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, thay vì mỗi lần nộp hồ sơ người dân phải kèm theo một phiếu giấy như trước.
Thời gian thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp điện tử trên VNeID kéo dài trong 2 tháng, trước khi nhân rộng toàn quốc.
Hồi tháng 5, Chính phủ giao Bộ Công an và Tư pháp phối hợp thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Phiếu lý lịch tư pháp là giấy tờ chứng minh cá nhân có hay không có án tích. Người dân có thể đến Sở Tư pháp các địa phương đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp hoặc thực hiện trực tuyến. Tuy nhiên, việc cấp phiếu này chưa được thực hiện trực tuyến hoàn toàn, sau khi đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của địa phương, người dân phải gửi hồ sơ giấy qua bưu điện hoặc đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền nộp.
Đầu tháng 4/2023, số người đến xác minh lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội tăng đột biến, dẫn đến quá tải, phải xếp hàng dài vài chục mét chờ đến lượt.
Viết Tuân