Từ khi Thông tư 11 về việc ngừng huy động và cho vay vàng có hiệu lực (1-5), nhiều ngân hàng nhanh chóng giảm lãi suất tiết kiệm vàng, chuyển sang huy động bằng chứng chỉ có kỳ hạn. Nhưng chỉ vài ngày sau, một số ngân hàng lại đẩy lãi suất huy động của chứng chỉ lên cao, cùng nhiều ưu đãi đi kèm.
Lãi suất đến 2,3%/năm
Việc các ngân hàng phát hành chứng chỉ huy động vàng với mức lãi suất cao trong thời điểm giá vàng trong nước dậm chân tại chỗ, khiến khách hàng tìm đến gửi vàng ở những nơi có lãi suất cao. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, khách gửi vàng tại Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), cho biết: “Bán vàng chưa được giá, nên cứ tìm ngân hàng có lãi suất cao gửi cho chắc ăn”.
SouthernBank và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa (TinnghiaBank) là 2 ngân hàng có mức lãi phát hành chứng chỉ huy động vàng rất cao. Tại SouthernBank, lãi suất 1 tháng là 1% mỗi năm, 2 tháng là 1,2%, các kỳ hạn 3, 4, 5 tháng là 1,3% và cao nhất là 6 tháng: 1,5% một năm. Tuy nhiên, ngân hàng này lại cộng 0,2% cho những khách hàng trên 50 tuổi. Và không như quy định của hầu hết ngân hàng phát hành chứng chỉ vàng hiện nay, SouthernBank cho phép rút vàng trước kỳ hạn. TinnghiaBank có mức lãi suất huy động chứng chỉ vàng cao “kỷ lục” hiện nay, khi kỳ hạn 3 tháng lãi suất lên 2,2% một năm, 9 tháng 2,3% và không phải đóng thuế TNCN khi hưởng lãi suất.
Giá vàng trong nước chiều 26-5 đã giảm so với giá cuối phiên trước đó một ngày từ 70.000 – 80.000 đồng mỗi lượng, vàng miếng SJC mua vào – bán ra 37,53 – 37,63 triệu đồng một lượng. Giá giảm bởi giá vàng thế giới trong phiên châu Á giảm khoảng 6 USD một ounce (còn 1.519 USD), thêm việc nhiều nhà đầu tư thấy giá lên đã bán vàng ra. Giao dịch bán ra hôm qua đã lấn át mua vào, nhưng xu hướng chung vẫn chưa khởi sắc. |
Còn Ngân hàng Á Châu (ACB), mức lãi suất thấp nhất của chứng chỉ huy động vàng là kỳ hạn 1 tháng 0,2% một năm và theo đó tăng lên ở các kỳ hạn cao hơn, cao nhất là chứng chỉ huy động kỳ hạn 11 tháng là 0,7%. Tại EximBank, tuy có chương trình bán vàng, gửi VND được ngân hàng mua vàng cao hơn giá thị trường đến 100.000 đồng một lượng, nhưng cũng tại đây, dịch vụ giữ hộ vàng đã được tung ra ngay khi Thông tư 11 có hiệu lực. Với dịch vụ này, khách hàng không chỉ được giữ vàng không phí mà còn được “chia lợi tức” các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng là 0,2% một năm. Dịch vụ giữ hộ vàng có chia lợi tức của EximBank được cho là một cách để “níu” khách hàng có nhu cầu gửi vàng “ở lại” với ngân hàng, trong thời điểm nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ huy động vàng với mức lãi suất hấp dẫn.
Phải làm tăng giá trị tiền đồng
Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước đưa ra, ngoài ổn định thị trường vàng còn nhắm đến việc đón nóng dòng tiền bán vàng, đưa vào đầu tư. Tuy nhiên đến nay, thói quen tích trữ vàng, giữ vàng của người dân lại khiến số tiền rút ra và gửi vào ngân hàng không đáng bao nhiêu. Ông L.V. T, khách hàng gửi vàng ở SouthernBank, cho biết: “Nghe nói hết năm nay không còn được gửi vàng tại ngân hàng nữa. Nhưng nếu không gửi được ở ngân hàng, tôi mang về nhà, chứ không bán giữ tiền, vì sợ tiền mất giá”. Đón được tâm lý này, nhiều ngân hàng đã “ra đòn” huy động vàng, dưới hình thức chứng chỉ.
Dù huy động vàng theo hình thức chứng chỉ có kỳ hạn không trái với Thông tư 11, nhưng tiến sĩ Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng đây là một hình thức biến tướng. “Tổ chức tín dụng được phát hành chứng chỉ ngắn hạn để chi trả vàng nếu không đủ số vàng trả nợ. Nhưng làm sao kiểm hết số nợ của họ là bao nhiêu và họ lấy lý do nợ, phát hành chứng chỉ với lãi suất cao, sau đó bán vàng, lấy tiền đồng để cứu thanh khoản”. Như vậy, trên thực chất, việc huy động vàng vẫn chưa dừng lại. “Về thực chất, muốn quản lý vàng tốt, muốn ngưng việc này, thì điều cốt lõi phải làm là tăng giá trị tiền đồng lên. Thói quen chỉ là một phần, cái gì có lợi thì người dân làm. Những năm 90, khi giá vàng 200.000 đồng lên 300.000 đồng rồi 400.000 đồng một chỉ có ai “ngó ngàng” gì đến vàng đâu. Vì vậy, để quản lý vàng hiệu quả, thì đồng thời phải tỉ lệ thuận với việc tăng giá trị tiền đồng lên”, ông Dương nói.