Quy mô hoạt động ngày càng lớn, đội ngũ nhân viên tăng đột biến gắn liền với tâm lý đạt chỉ tiêu kinh doanh đang đòi hỏi các ngân hàng (NH) tích cực ngăn chặn hiện tượng rút ruột tài sản của mình.
Do sức ép cạnh tranh
Theo một số chuyên gia ngành NH, hằng năm, vốn điều lệ của mỗi NH đều tăng từ vài trăm tỉ đến cả ngàn tỉ đồng. Với số vốn tăng thêm, các NH đua nhau mở rộng mạng lưới để chiếm thị phần huy động vốn lẫn cho vay, thậm chí có NH mở cùng lúc 3 phòng giao dịch chỉ trong một ngày.
Mạng lưới hoạt động của một NH lên tới vài trăm cho đến cả ngàn chi nhánh và phòng giao dịch với cả chục ngàn nhân viên... Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, giám sát không theo kịp sự phát triển mạng lưới nên đã tạo những lỗ hổng nội bộ, từ đó dễ nảy sinh các sai phạm trong nghiệp vụ, thậm chí phát sinh tiêu cực.
Các máy ATM đặt ở những nơi vắng vẻ vừa dễ gây rủi ro cho ngân hàng vừa không an toàn cho khách rút tiền. Ảnh: HỒNG THÚY
Mặt khác, môi trường kinh doanh NH hiện nay gặp nhiều khó khăn, áp lực lợi nhuận ngày càng lớn, mức độ cạnh tranh khá khốc liệt nên phần lớn các NH áp đặt chỉ tiêu lợi nhuận cho các chi nhánh, phòng giao dịch, rồi định mức chỉ tiêu huy động vốn, cho vay từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng/tháng cho mỗi nhân viên. Từ đó, nhân viên NH phải nỗ lực tìm kiếm khách hàng bằng mọi giá, tạo điều kiện cho kẻ xấu móc nối để trục lợi.
Gần đây, các NH rất mạnh tay đầu tư kênh giao dịch qua ATM, tăng mạng lưới ATM trên toàn quốc lên tới 10.200 máy nhưng không đầu tư đúng mức cho công tác bảo vệ.
Không một NH nào chọn giải pháp thuê người để bảo vệ ATM, chủ yếu lắp đặt máy ở những địa điểm mà NH cho rằng bảo đảm an ninh hoặc chấp nhận lắp đặt máy bất cứ địa điểm nào miễn chi phí đầu tư thấp, đáp ứng được mục tiêu kinh doanh. Đến cuối tháng 10-2010, khi gần 10 máy ATM của một số NH bị bọn tội phạm tấn công, cướp hàng tỉ đồng, các NH mới chú trọng việc đầu tư thiết bị, nhân lực bảo vệ...
Cảnh báo nguồn vốn rẻ
Theo NH Nhà nước, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện của các tổ chức quốc tế đã tiếp xúc với các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước chào cho vay số tiền lớn, lãi suất thấp, thời hạn dài. Tuy nhiên, qua xác minh, những cá nhân, tổ chức này thực chất không có khả năng thu xếp và cung cấp các khoản tài chính lớn cho VN. Do đó, NH Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng khi xem xét, xử lý các khoản chào cho vay của đối tác nước ngoài phải tuân thủ các quy định hiện hành, không được phát hành các giấy tờ như giấy mời, thư hứa bảo lãnh, giấy ủy quyền vay vốn hoặc các hình thức cam kết khác khi chưa nắm được đầy đủ thông tin về đối tác...
|
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhận xét: Việc các NH mở rộng mạng lưới, tuyển dụng nhân sự ồ ạt, trong đó có nhiều người thiếu tâm - tài; việc giao chỉ tiêu kinh doanh cho các chi nhánh, nhân viên khiến các chi nhánh nôn nóng tăng doanh số bằng mọi giá, cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ NH... đã bộc lộ nhiều kẽ hở trong kinh doanh, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng.
Quan trọng là đạo đức nhân viên
Các NH cho biết theo quy định, việc giám sát nghiệp vụ của nhân viên được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Thông thường, mỗi NH đều có quy trình kiểm soát nội bộ nhiều tầng lớp, được kiểm tra chéo lẫn nhau. Thế nhưng, khi lãnh đạo và nhân viên thông đồng với người ngoài để trục lợi thì việc ngăn chặn hành vi đó không đơn giản.
Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc NH Xuất Nhập khẩu VN, cho rằng cốt lõi của việc chống tội phạm là cán bộ của NH. Nếu nhân viên tuân thủ chặt chẽ mọi quy trình giao dịch thì rủi ro rất thấp.
Do đó, việc tăng cường giám sát, kiểm soát nội bộ; giáo dục đạo đức nghề nghiệp nhân viên là rất quan trọng. Mặt khác, các NH cũng nên thường xuyên nâng cao trình độ cán bộ, nhất là nghiệp vụ giao dịch điện tử bởi tội phạm về công nghệ thông tin ngày càng nhiều.
Trưởng Ban Kiểm soát NH Á Châu Huỳnh Nghĩa Hiệp cũng cho rằng các NH cần tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi phương pháp phát hiện chứng từ giả để phòng chống tội phạm tấn công từ bên ngoài.