Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, chia sẻ bì lợn dồi dào protein và carbohydrate, cung cấp nhiều vitamin, muối khoáng cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều bì lợn. Trong bóng bì rất nhiều cholesterol, không tốt với người bị rối loạn lipit, thừa cân béo phì. Ngoài ra bì lợn có hàm lượng protein cao, khó tiêu nên người bệnh gout hoặc suy thận cũng hạn chế ăn.
Bì lợn giống như một số thực phẩm đang trong tình trạng mất vệ sinh an toàn vệ sinh. Nguyên nhân là bì lợn không có nguồn gốc rõ ràng, lấy từ lợn đã chết hay mắc bệnh. Ngoài ra, trong quá trình thu gom, vận chuyển để chế biến sản xuất bì dễ bị ôi thiu, thối, khó phân biệt được bằng mắt thường.
Bác sĩ cho biết: “Nhiều cơ sở dùng hóa chất để tẩy trắng bì lợn, kể cả kali nitrat (KNO3) là chất sử dụng trong phân bón nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây, để bóng bì khi nổ có màu đẹp mắt. Bì lợn càng trắng thì do càng dùng nhiều hóa chất”. Các chất hóa học, tẩy rửa công nghiệp chỉ làm trắng bì mà không thể diệt hết vi khuẩn, ấu trùng, mầm bệnh.
Ảnh: Healthy diet |
Tác hại khi ăn bóng bì lợn bẩn
- Bì lợn chưa được cạo sạch lông hoàn toàn, khi ăn vào ruột những chiếc lông cứng sẽ cắm vào vùng màng nhầy ở dạ dày và ruột non, làm tổn thương màng ruột và dạ dày.
- Ăn thường xuyên bì lợn bị tẩy rửa bằng hóa chất, độc chất aflatoxin tích tụ dần trong cơ thể. Nếu ngộ độc nhẹ, bạn bị tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn. Ngộ độc nặng có thể dẫn đến nhiều bệnh lý, tiềm ẩn nguy cơ ung thư.
- Bì lợn bị tẩy bằng hóa chất không thể diệt hết các loại vi khuẩn và mầm lây bệnh như dịch tai xanh, viêm cầu, gây nguy cơ nhiễm độc tố từ lợn bẩn.
Cách nhận biết bì bẩn và sạch
- Có xuất xứ và nguồn gốc rõ ràng.
- Màu sắc: Bóng bì sạch có màu trắng hồng, thêm một lớp mỡ trong bì màu trắng. Bì lợn tẩy bằng hóa chất có màu trắng tinh khác thường.
- Bóng bì lợn sạch giòn và dai hơn hàng kém chất lượng.
- Bì sạch không có mùi hôi.
Thùy An