Bi hài chuyện hiếu, hỉ

“Chả mấy khi anh em gặp nhau, nào cạn chén”, “Không say không về”,“Thằng này thế mà khá, hơn cả đàn anh mày rồi”..., những câu nói chỉ có ở những cuộc nhậu vui vẻ lại xuất hiện trong một bữa cơm cúng 3 ngày ông Xuân ở Từ Liêm (Hà Nội).

Ngay trước mặt hàng chục khách, vị cháu họ ông Xuân quát tháo đứa con trai “Mày đi lấy ba chai Vodka Hà Nội về đây để tao tiếp khách" và quay vào mâm tiếp: “Mấy khi có dịp gặp ông và mọi người ở đây. Mai em mời các bác làm bữa thịt chó ở quán”. Dường như người cháu này quên mất rằng ông nó mới nằm xuống được 3 ngày.

Những cảnh ăn uống hân hoan như vậy xảy ra không ít ở các đám hiếu. Anh Sơn ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) kể nhiều đám ma ở làng quê mọi người quên cả lễ nghĩa. “Có gia đình trong ngày tang lễ, kèn trống đang ầm ĩ mà bữa cơm còn nâng chén hô hào cùng cạn. Người nâng chén đều ngoài 50 tuổi và là hàng xóm với người quá cố”, anh Sơn nói.

Cánh thợ chụp ảnh đám hiếu đôi khi cũng dở khóc dở cười vì bị gia đình gia chủ đạo diễn những cảnh chụp khôi hài. “Thấy chị lăn lộn khóc em bấm cho chị vài phát nhé”, cô con dâu trong lễ đưa ma bố chồng dặn dò phó nháy Đạt. “Vừa khóc ối cha ơi, chị ta vừa hô chụp đi em. Sau đó mắt ráo hoảnh hỏi chụp chưa, có đẹp không”, anh Đạt thuật lại.

Đám ma một cụ bà ở quận Tây Hồ xảy ra chuyện tranh cãi về cách khênh quan tài ra cửa. Cả nhà ai nấy đều cho rằng đầu áo quan đi trước, còn một cụ ông đứng đầu họ tộc lại quan niệm chân phải đi trước. “Thế tôi hỏi ông, người ta đi bằng chân hay bằng đầu, chân phải đi trước mới đúng”, cụ ông một mực khẳng định. Cuối cùng, cụ giận bỏ về vì mọi người nhất quyết khênh đầu bà cụ quá cố đi trước.

Không chỉ đám hiếu, ở nhiều đám hỉ, ngày trọng đại nhất của đôi uyên ương cũng xảy ra nhiều tình huống bi hài.

Tại một đám cưới ở huyện Mỹ Đức (Hà Tây cũ), ông Chảnh, thân sinh của chú rể trịnh trọng phát biểu: "Cảm ơn các vị thân bằng cố hữu, bạn bè gần xa đã đến…”. Câu nói nhầm của ông khiến cả hội trường cười ồ vì câu thân bằng cố hữu chỉ dùng trong đám ma.

Lễ hỏi vợ cho anh Cao ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) dù được gia đình chuẩn bị khá chu đáo, nhưng lại gặp sự cố vào phút chót. Do quá cẩn thận, ông thân sinh ra anh Cao bỏ riêng tiền lễ vào túi áo vest của mình và chỉ để phong bì rỗng trong mâm cau.

Sau khi rời nhà gái và ra về được nửa đường, ông Phong mới sực nhớ chưa cho tiền vào phong bì. Trong khi nhà cô dâu tận huyện Nông Cống (Thanh Hóa), cách xa Hà Nội gần 200 km. “Quay lại trả tiền cũng dở mà không mang tiền đó hỏi vợ cho con cũng chết. Ở làng quê họ rất nghiêm túc trong vấn đề nghi lễ, kiêng kị nhiều thứ”, ông Phong nói.

Chuyện bỏ phong bì nhầm cũng đã không phải là hiếm tại nhiều nhà hàng khách sạn có tổ chức vài ba đám cưới cùng thời điểm. Một nhà hàng ngay trung tâm thủ đô từng xảy ra cãi lộn khi vị khách của đám cưới tầng hai bỏ nhầm phong bì mừng vào đám cưới dưới tầng một. Gia đình nhà được bỏ phong bì kiên quyết không trả lại

"Biết làm sao được cái nào vào cái nào, nhà này nhiều khách khác nhau, của ông, bà, bố, mẹ… Chắc gì đã đúng là phong bì đó của ông, cái này phải để mai kiểm tra”, người mẹ của đôi tân lang, tân nương một mực cho rằng cả gia đình đang bận tiếp khách và không thể giải quyết ngay.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
7674
Số người truy cập:
4770257