Bị can thiệp, Vinapco mất tiền tỉ

 

Khởi nguồn của mâu thuẫn là từ việc ký hợp đồng mua bán nhiên liệu bay giữa Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) và các hãng hàng không nội địa.

Xe chuyên dụng của Vinapco đang nạp nhiên liệu cho một hãng hàng không
 
Kinh doanh theo mệnh lệnh hành chính
 
Sự việc được tóm tắt như sau: Do không thỏa thuận được giá, ngày 1-4-2008, Vinapco đơn phương ngừng cung cấp xăng dầu cho hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific Airlines - JPA) khiến hàng loạt chuyến bay của hãng này bị đình trệ. Vài giờ sau, việc cung cấp nhiên liệu được nối lại vì Bộ GTVT yêu cầu Vinapco tiếp tục cấp xăng để không làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng không.
 
 Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia cáo buộc Vinapco vi phạm điều 14 Luật Cạnh tranh, cụ thể là áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng và lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng và ra phán quyết phạt Vinapco 3,4 tỉ đồng. Không đồng ý với phán quyết này, Vinapco đã kiện Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia ra TAND TP Hà Nội. 
 
Tranh chấp tương tự một lần nữa phát sinh vào cuối năm 2008 khi hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines (ICA) của nhạc sĩ Hà Dũng cất cánh. Khác với câu chuyện giữa Vinapco và JPA là không thống nhất được về giá mua bán nhiên liệu, mâu thuẫn phát sinh giữa Vinapco và ICA là phía ICA không thanh toán hợp đồng đúng hạn chỉ sau vài tháng khai thác thương mại. Đến khi Vinapco dọa ngừng cung cấp xăng cho ICA, ICA đã cầu cứu Cục Hàng không, Bộ GTVT.
 
Sau đó, với công văn hỏa tốc yêu cầu Vinapco phải cung cấp nhiên liệu để tránh ảnh hưởng đến hành khách và dây chuyền hoạt động chung của ngành hàng không (công văn số 2131/CHK-TC ngày 24-6-2009), Vinapco buộc phải tuân thủ lệnh của cơ quan quản lý ngành dọc và không thể ngừng bán xăng cho ICA. Trong thời gian này, Vinapco và ICA đạt được thỏa thuận khoanh lại khoản nợ cũ khoảng 11 tỉ đồng, sau đó, tiền mua nhiên liệu sẽ được thanh toán dứt điểm hằng ngày.
 
Tuy vậy, điều khoản hợp đồng mới cũng chỉ được thực hiện không lâu vì sau đó, ICA lại tiếp tục chây ì thanh toán. Tính đến nay, ICA còn nợ Vinapco 25 tỉ đồng tiền nhiên liệu, mọi liên hệ với ICA đều không thể thực hiện vì hãng này không hoạt động, không nộp thuế, không trụ sở..., giấy phép kinh doanh nhiều lần bị cơ quan chức năng xem xét thu hồi. Để đòi nợ, lâu lâu, Vinapco chỉ còn cách gửi công văn sang... Cục Hàng không đề nghị hỗ trợ bằng cách yêu cầu ICA thanh toán nợ.
 
Ít khả năng thu hồi nợ
 
Ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Vinapco, cho rằng Vinapco không vi phạm điều 14 Luật Cạnh tranh, việc giao hàng theo hợp đồng chỉ bị đình trệ vài giờ, không thể kết luận Vinapco hủy hợp đồng. Cũng theo ông Phúc, nộp phạt 3,4 tỉ đồng không phải câu chuyện lớn mà quan trọng là phán quyết của Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia đã khiến doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường. Chính vì phán quyết của Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia, cộng với những can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản, Vinapco không thể ngừng bán xăng cho đối tác trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù biết rõ ICA không có khả năng thanh toán.
 
Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), trong trường hợp này, vấn đề thương mại đã không được vận hành theo Luật Thương mại mà lại được điều chỉnh theo Luật Cạnh tranh. Đối với trường hợp tranh chấp giữa Vinapco và ICA, lẽ ra theo hợp đồng, bên mua không trả tiền thì bên bán được ngừng cung cấp. Nên để thị trường quyết định như vậy, còn cơ quan chủ quản yêu cầu tiếp tục bán thì đó là can thiệp quá sâu. Như vậy, sẽ làm méo mó thị trường và khi có hậu quả khó quy kết trách nhiệm. Giả sử có hàng loạt doanh nghiệp mua xăng không trả tiền, Vinapco vẫn phải tiếp tục cung ứng?
 
Trái với nhận định trên, TS Lê Đăng Doanh lại cho rằng can thiệp của Cục Hàng không VN là có lý vì theo Luật Hàng không, việc bảo đảm giao thông thông suốt là ưu tiên lớn, không thể để gián đoạn với bất cứ lý do không chính đáng nào.
 

Cho dù các luồng ý kiến còn trái chiều nhưng giới chuyên môn có chung nhận định là rất khó thu hồi nợ của ICA vì đối với công ty cổ phần, trách nhiệm chỉ giới hạn ở phần vốn góp.

Tòa bác yêu cầu của Vinapco

 
Kết thúc phiên xét xử, TAND TP Hà Nội đã tuyên bác bỏ các yêu cầu của Vinapco tại đơn khởi kiện đối với Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia. HĐXX cho rằng các quyết định của Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia với Vinapco có đủ căn cứ pháp lý và đúng trình tự, thẩm quyền. Việc Vinapco ra thông báo tăng giá đối với Pacific Airlines tại thời điểm đó là không đúng với Pháp lệnh Giá.

Ông Trần Hữu Phúc cho biết sẽ kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Bài và ảnh: Tô Hà

Giày Đại Phát solution
Số người online:
15909
Số người truy cập:
11246982