Kết quả điều tra cho thấy, BĐS vẫn là kênh đầu tư ưa thích của các hộ gia đình thành phố có tích lũy, chiếm 34% tổng số hộ gia đình có các hoạt động đầu tư. Tiếp theo là các hoạt động cung cấp dịch vụ (chiếm 24%). Đầu tư cho sản xuất còn hạn chế với tỷ lệ dưới 10% tổng số hộ gia đình có hoạt động đầu tư.
Đáng chú ý, có tới 68% người sử dụng tín dụng BĐS với mục đích đầu tư để sinh lời và chỉ có 32% còn lại sử dụng tín dụng BĐS là để cho mục đích mua nhà để ở.
Báo cáo cũng chỉ rõ, đặc điểm về hình thức vay ngân hàng để tài trợ cho tín dụng nhà ở tại Việt Nam đa số là các gói tín dụng nhỏ lẻ, ngân hàng thường tài trợ trực tiếp cho các hộ có nhu cầu tín dụng nhà ở.
Số liệu sơ bộ cũng cho thấy, có khoảng 25% số người dân thành phố (Hà Nội và TP.HCM) vay ngân hàng để mua nhà lại lấy chính nhà đó làm tài sản thế chấp. Đa số các hình thức vay vốn ngân hàng để mua nhà đều trả theo hình thức trả góp trong vòng 5-10 năm. Bên cạnh đó, vay ngân hàng để mua nhà không còn là lựa chọn số 1 của người dân tại 2 thành phố này nữa mà thay vào đó là người dân tự mua bằng tiền của mình chiếm tỷ lệ nhiều hơn với 87% ở Hà Nội và 57,1% tại TP.HCM.
Khả năng có nhu cầu vay ngân hàng mua nhà của người làm trong ngành thương mại dịch vụ thấp hơn 38% so với khả năng vay ngân hàng mua nhà của người làm trong ngành ngân hàng tài chính.
Báo cáo cũng chỉ rõ, mặc dù thời điểm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam đã qua, nhưng khả năng phục hồi khá chậm chạp vì lòng tin của nhà đầu tư suy giảm mạnh, do đó triển vọng thị trường BĐS năm 2012 có thể cũng phục hồi chậm chạp, chưa có các yếu tố cải thiện căn bản.
Có khoảng 33% doanh nghiệp trong ngành cho rằng giá căn hộ, nhà ở trên địa bàn 2 thành phố này với các phân khúc hạng sang và bình dân sẽ không thay đổi trong thời gian tới.