Bán tư trang giúp công ty cầm cự

"Hai tháng nay, tôi chưa bước chân ra cửa hàng quần áo, đi tiếp khách, ăn uống cũng phải dè chừng", nữ giám đốc này than thở với VnExpress.net.

Chuyên về mảng tổ chức sự kiện, công ty của bà gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp tiết giảm chi phí quảng cáo, marketing trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Nhiều đối thủ cạnh tranh thậm chí đã phải chuyển đổi lĩnh vực hoạt động. Vào thời điểm này năm ngoái, công ty bà đã hoàn thành xong kế hoạch quý II, còn năm nay, vẫn chưa có hợp đồng mở hàng. Nhân viên bàn nhau tìm cách kiếm sống bằng việc thí nghiệm dịch vụ mới, song cũng chưa biết chắc hiệu quả thế nào.

"Nói chung chúng tôi xác định cầm cự để nuôi quân là chính chứ không mong lãi trong năm tài chính này", bà nói.

Điểm khiến bà lo ngại nhất là các doanh nghiệp cùng ngành đang dìm nhau bằng cách hạ giá, có đơn vị chấp nhận lỗ để lấy doanh thu, không cần lợi nhuận, kể cả doanh nghiệp nước ngoài.

Không quá bi đát đến mức dự kiến bán đồ nữ trang để chi trả song Giám đốc Công ty Quảng cáo và Thương mại Kim Khuê - Nguyễn Thị Minh Nghĩa cũng nhìn nhận: "Khủng hoảng kinh tế đã tác động đến hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mọi ngành nghề lĩnh vực. Kinh doanh lúc này hòa vốn đã là may".

Xác định tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn nên ngay từ đầu năm, bà Nghĩa đã lên các kịch bản sẵn đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ngoài việc tiết giảm chi phí, bà Nghĩa cũng tạm gác kế hoạch đầu tư chuỗi trung tâm massage, spa đến cuối năm nay hoặc đầu 2010 để tập trung cho các công việc hiện tại. Với chủ trương không mở rộng quy mô mà tập trung vào thị trường đã có, những hợp đồng cảm thấy không an toàn, tính thanh khoản không cao, Kim Khuê mạnh dạn từ chối.

Tháng trước, Công ty TNHH Sản xuất giấy lụa Đông Dương rao bán dây chuyền sản xuất giấy vệ sinh các loại và dây chuyền sản xuất khăn giấy Napkin với giá 30-40 triệu đồng. Còn nếu muốn mua cả công ty cùng với hệ thống dây chuyền sản xuất thì mức giá vào khoảng 350 triệu đồng. Lý do được ông Bùi Bình Minh - người phụ trách công ty lý giải là: Không thể tiếp tục duy trì sản xuất. Ông muốn toàn tâm toàn ý để chăm chút cho công ty thứ hai của mình - hoạt động trên lĩnh vực công nghệ thông tin.

Năm 2009 - được coi là năm thử lửa đối với hầu hết các doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Minh cho hay có nhiều đối tác đã gọi điện đặt vấn đề mua lại công ty cũng như dây chuyền sản xuất song họ mới chỉ dừng ở việc hứa thu xếp vốn, mặt bằng, nhân sự chứ chưa có đơn vị nào đến thương lượng trực tiếp. "Tôi hiểu trong giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp nào cũng khó khăn", ông Minh nói.

Trong lúc chờ bán, công ty vẫn duy trì sản xuất các mặt hàng giấy này trên tinh thần hòa vốn vì đã có hệ thống phân phối hàng ở một số tỉnh phía Bắc. "Nếu ai có nhu cầu mua, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa về công nghệ. Nói thật, trong thời buổi khủng hoảng hiện nay thì nên tập trung vào một lĩnh vực để làm cho thật tốt mới giảm được nguy cơ đổ vỡ", ông Minh nói.

Hai hệ thống bán lẻ điện thoại di động lớn ở VN là Viễn Thông A và Thế giới Di động cũng vừa thông báo ngưng hoạt động 7 cửa hàng tại TP HCM, Cần Thơ và Hà Nội. Với lý do, hiệu quả kinh doanh thấp vì độ phủ các cửa hàng thành viên quá dày. Hiện hệ thống bán lẻ của Viễn Thông A còn 30 cửa hàng và Thế giới Di động là 26 cửa hàng tại các tỉnh thành lớn.

Sức mua điện thoại di động trong tháng 2 tương đương tháng 1, nhưng theo dự báo từ các nhà bán lẻ, từ tháng 3 cho đến tháng 5 sức mua có thể sẽ giảm từ 30 - 40% so với những tháng cao điểm. Nhân viên của một công ty phân phối sản phẩm của Sony Ericson nhìn nhận việc cắt giảm chi tiêu của người dân đã ảnh hưởng nhiều đến xu hướng xài thiết bị di động. Nếu như trước đây, những dòng điện thoại cao cấp, có tính năng vượt trội luôn được giới tiêu dùng chú ý, nhất là dòng sản phẩm mới, thì thời điểm hiện tại, những dòng máy bình dân tầm trên dưới 2 triệu đồng bán chạy. Sức mua giảm cũng là nguyên nhân chính khiến nhà phân phối di động Viettel hạ giá thành cho một loạt sản phẩm để kích cầu thị trường.

Dù được xem là một trong những ít doanh nghiệp nhỏ tăng trưởng tốt trong năm 2008 song Giám đốc Công ty máy tính Bảo An - Phan Đình Sơn cũng không nén được tiếng thở dài: Chưa khi nào kinh doanh lại gặp khó khăn như trong thời buổi hiện tại.

Từ giữa năm ngoái, các sản phẩm máy tính của công ty được xếp vào diện "xa xỉ phẩm, không phải mặt hàng thiết yếu", và thường cân nhắc rất kỹ khi quyết định mua hàng. Hàng tiêu thụ chậm khiến cho doanh thu của công ty bị ảnh hưởng nhiều trong những tháng cuối năm 2008 và dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong những tháng đầu năm 2009.

Để đối phó với tình hình, Bảo An thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu đến mức có thể nhất. Kế hoạch mở rộng mô hình kinh doanh cũng tạm gác lại để toàn tâm toàn ý vào việc phát triển hệ thống phân phối máy tính.

Các khoản tiền hội họp, tài trợ, quảng cáo, thậm chí là các chương trình khuyến mãi đều được tính toán một cách rất chi ly. Bên cạnh đó, Bảo An thực hiện chính sách đa dạng hóa sản phẩm theo hướng: Cái gì thị trường cần thì bán chứ không phân loại đối tượng khách hàng và dòng sản phẩm. Trong đó, ông Sơn chủ động tập trung vào phân khúc thị trường nhỏ đó là dòng sản phẩm bình dân cho đối tượng bình dân là học sinh và sinh viên. "Khó khăn sẽ không chừa bất cứ doanh nghiệp nào, thuyền to thì sóng lớn. Chúng tôi đang nỗ lực để sống ổn trong năm tài chính 2009 này", giám đốc Phan Đình Sơn nói.

"Một nghề cho chín, còn hơn 9 nghề" - điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, tiết kiệm chi phí hay quy mô sản xuất được nhiều doanh nghiệp VN thực hiện ngay từ đầu năm. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - Trương Thị Lệ Khanh - người nằm trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2008 chia sẻ: "Năm nay, chúng tôi sẽ không mở rộng quy mô sản xuất mà chỉ tập trung phát triển và sản xuất các mặt hàng có thế mạnh và các dự án ít có rủi ro".

Bà cho hay, 2008 là một năm rất khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhờ "lối đi riêng" và cách nghĩ táo bạo cùng với sự đồng lòng của các cán bộ công nhân viên công ty nên hoạt động của Vĩnh Hoàn vẫn giữ được ổn định. Bà Khanh nhận định 2009, tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực vượt qua.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nam Việt - Doãn Tới thì 2009 vẫn là năm các doanh nghiệp bước vào giai đoạn thử lửa. Trong đó, từ nay đến năm 2013 nền kinh tế VN sẽ tiếp tục có những cuộc đào thải và gạn lọc doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào lớn, nhỏ, có khả năng tồn tại hay bị xóa bổ trên khán đài kinh tế thì phải chờ đến 2013 mới rõ.

Theo ông, 2008 là một năm đầy những sự kiện đáng nhớ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến hầu hết các doanh nghiệp, các lĩnh vực, ngành nghề tại VN. Con tôm con cá xuất khẩu cũng gặp khó khăn. Nhưng ông Tới vẫn tin tưởng rằng kinh doanh phải chấp nhận những biến động của thị trường có lúc suôn sẻ, có lúc khó khăn. Khó khăn là lúc mà các doanh nghiệp bình tĩnh hơn để nhìn nhận lại công việc kinh doanh và tìm hướng đi mới cho riêng mình.

Số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN công bố hồi tháng 10/2008 cũng cho thấy, khoảng 20% doanh nghiệp khó có thể tiếp tục hoạt động, 60% thành viên hội đang chịu tác động bởi kinh tế khó khăn nên sản xuất sút kém. Lạm phát đang làm các công ty không kiểm soát được chi phí, mất thị trường và không đủ vốn để duy trì sản xuất. 20% còn lại là các công ty chịu ít ảnh hưởng và vẫn trụ vững do trước nay ít phải nhờ đến nguồn vốn vay và được các lãnh đạo có kinh nghiệm dẫn dắt.

Trong tổng số gần 350.000 doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, khoảng 95% là nhỏ và vừa.

 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
19087
Số người truy cập:
11185311