Bán khống chứng khoán: Biến tướng tinh vi

 Bán khống là một nghiệp vụ giao dịch chứng khoán. Khi nhà đầu tư dự đoán giá một loại chứng khoán sẽ giảm, họ đi vay chứng khoán đó từ nhà môi giới hoặc công ty chứng khoán (CTCK). Đến khi giá chứng khoán giảm, họ sẽ mua lại trên thị trường bằng số lượng đã bán tương ứng với giả rẻ hơn và trả lại CTCK cùng một khoản phí nhất định. Nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận bằng chênh lệch giữa giá bán và giá mua lại, sau khi đã trừ đi chi phí trả cho CTCK.

 

 Cấm vẫn... chơi!

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bán khống chứng khoán bị pháp luật cấm. Hoạt động này đang tạo ra sự bất công trong giao dịch và tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường. Các đối tượng bán khống luôn mong thị trường suy giảm để mua lại cổ phiếu giá rẻ. Thị trường mất điểm càng sâu, họ kiếm lợi càng nhiều, bởi độ chênh lệch giá càng lớn.

Do đó, khi thị trường chứng khoán trượt dài xuống dốc, hoạt động bán khống đã “bùng phát”, biến tướng dưới nhiều dạng giao dịch, ngày càng tinh vi. Thay vì giao dịch trực tiếp tại sàn, nhà đầu tư có thể núp dưới dạng tài khoản cá nhân mở tại các CTCK thân quen để liên kết giao dịch. Kiểu “đi đường vòng” này tuy CTCK phải mất một khoản phígiao dịch, nhưng đổi lại, chiêu thức này khá kín, khiến cơ quan quản lý, giám sát không dễ phát hiện và xử lý.  Ngoài ra, theo luật sư Trần Minh Hải (Công ty luật Basico), để lách luật, CTCK và nhà đầu tư sẽ ẩn nội dung bán khống chứng khoán ở những dạng hợp đồng, giao dịch với tên gọi khác. Ví dụ: Hợp đồng “tư vấn mua bán chứng khoán” mà bên tư vấn là nhà đầu tư, thể hiện nội dung tư vấn cho CTCK nên bán một số lượng chứng khoán nào đó và mua lại vào thời điểm xác định trên cơ sở phân định lỗ- lãi từ sự tư vấn...

Xử lý khó?

Thực tế, việc phát hiện và xử lý hoạt động bán không chứng khoán không đơn giản. Mới đây, ngày 11/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ký quyết định xử phạt CTCK Đại Nam 250 triệu đồng vì hai lỗi vi phạm: Hoạt động tự doanh trái phép thông qua tài khoản nhân viên và cho khách hàng vay chứng khoán để bán. Bà Vũ Thị Chân Phương- Chánh thanh tra UBCKNN- cho biết: Đại Nam là trường hợp CTCK vi phạm đầu tiên bị xử phạt vì tham gia hoạt động bán khống chứng khoán.

Nhằm ngăn chặn hoạt động bán khống chứng khoán, UBCKNN vừa có công văn yêu cầu CTCK và công ty quản lý quỹ không được bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán. Bên cạnh đó, tổ chức và nhân viên làm việc tại các tổ chức này không được làm trung gian cho các tổ chức, cá nhân vay, mượn chứng khoán của nhau để bán dưới mọi hình thức. Công ty quản lý quỹ phải báo cáo chi tiết về hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho nhà đầu tư ủy thác, không được sử dụng tài sản của quỹ, nhà đầu tư ủy thác để cho vay hoặc bảo lãnh cho các khoản vay dưới mọi hình thức.

Theo Báo mới

Giày Đại Phát solution
Số người online:
4409
Số người truy cập:
11451453