Đây không phải chế độ ăn kiêng, mà tập trung vào những trải nghiệm khi ăn. Người tập ăn trong chánh niệm, sử dụng tâm trí để xem xét, đánh giá những tác động xung quanh đến việc ăn uống.
Khái niệm này có nguồn gốc từ giáo lý Phật giáo. Giống với các hình thức thiền định như ngồi, thở, đi đứng, nhiều thiền sư khuyến khích người ăn chú ý đến cảm giác khi ăn.
Cách cơ bản để tập ăn trong chánh niệm là từ từ cảm nhận từng phần của thức ăn. "Đặt đĩa thức ăn vào miệng, không quan trọng đó là món gì, nhưng hãy biến nó thành thứ bạn yêu thích. Giả sử, bạn đang ăn một đĩa mì nóng hổi, thơm phức. Sau khi ăn một miếng, hãy đặt đĩa xuống. Điều này khó khăn hơn bạn tưởng tượng rất nhiều, bởi miếng cắn đầu tiên rất ngon. Nó thôi thúc bạn ăn thêm miếng thứ hai", Jeff Gordinier, nhà văn, biên tập viên của NY Times, giải thích.
Lúc này, người tập ăn trong chánh niệm cần chống lại phản xạ của cơ thể, nhai từ từ, ngừng nói, cảm nhận kết cấu sợi mì, màu sắc của nước sốt trong tô, mùi thơm hơi nước bốc lên. "Tiếp tục làm điều này trong suốt bữa ăn, bạn sẽ trải nghiệm những niềm vui hoặc cả sự thất vọng đối với món ăn. Đây được gọi là ăn uống trong chánh niệm", Gordinier nói.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tin rằng ăn uống lơ đễnh là nguyên nhân sâu xa của nhiều vấn đề sức khỏe như béo phì, do đó ăn trong chánh niệm là chìa khóa cho một cuộc sống hiệu quả. Trong cuốn sách Savor: Mindful Eating, Mindful Life (Ăn trong chánh niệm, Sống trong tỉnh thức), thiền sư nhận định phần lớn việc ăn uống của con người diễn ra ở chế độ "tự động" do nhịp sống hối hả.
"Chúng ta không chú ý đến lượng thức ăn được phục vụ, việc chúng ta đã ăn bao nhiêu, mùi vị của thức ăn thế nào. Mức ăn uống của chúng ta phụ thuộc vào các hình ảnh bên ngoài như kích thước bát, đĩa hoặc phần ăn", thiền sư viết. Vì vậy, con người hiện đại dễ rơi vào tình trạng "biến dạng khẩu phần" và mất khả năng tự nhận thức lượng thức ăn phù hợp với cơ thể.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại phòng riêng năm 2019. Ảnh: NY Times
Trong một nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đã cho sinh viên tốt nghiệp tự lựa chọn đồ ăn của mình từ bát đĩa có kích thước khác nhau. Kết quả cho thấy người dùng bát đĩa lớn ăn nhiều hơn 56% so với người dùng bát đĩa nhỏ. Kích thước khẩu phần ăn càng lớn, việc tính toán lượng calo càng khó khăn.
"Toàn bộ môi trường xung quanh chúng ta đều tạo điều kiện cho việc ăn uống không chú tâm, từ quảng cáo trên TV đến thức ăn nhanh, các thực phẩm không lành mạnh trong siêu thị", thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.
Dưới góc nhìn của một số chuyên gia, hành động tưởng chừng đơn giản nhất như "ăn chậm, thực sự thưởng thức món ăn" có thể là phương thuốc cho các vấn đề sức khỏe phát sinh từ lối sống công nghiệp. Theo thiền sư, thực hành chánh niệm có thể giúp con người tránh khỏi những xao nhãng bên ngoài, tránh ăn uống vô độ và có cơ thể khỏe mạnh hơn.
Người tập chánh niệm nên lắng nghe cơ thể (ăn khi đói, dừng lại khi no), ăn đúng bữa, đúng nơi quy định (không ngồi trong ôtô, không ăn khi xem TV). Thiền sư cũng đề cao tầm quan trọng của các thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Theo ông, người tập cần gác lại tất cả công việc khác khi ăn uống.
Thiền sư chia sẻ một chế độ ăn chay bổ dưỡng, không dùng bất kỳ sản phẩm nào từ động vật bao gồm cả trứng, sữa. Bữa sáng là cháo yến mạch, bánh mì tự làm, đậu hạt tự trồng tại làng, trái cây và đôi khi là các món bún, phở hay xôi. Bữa trưa dùng cơm, rau xào, đậu phụ, canh, rau củ hay salad và một ít đồ ngọt tráng miệng. Món tráng miệng theo kiểu Việt Nam có chè với các loại đậu và theo kiểu Tây là bánh ngọt chay. Buổi tối thực đơn là món ăn nhẹ với cơm, canh và một ít rau quả.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế, lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96. Thiền sư là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" và cả cuộc đời ông đã hoạt động không ngừng nghỉ để kêu gọi hòa bình, đưa Phật giáo Việt Nam vươn ra thế giới.
Thục Linh (Theo NY Times, Honest Good)