Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Chò, nguyên chủ nhiệm bộ môn dinh dưỡng, Viện 103, Học viện quân y, thịt đỏ là loại thịt gia súc, cung cấp nguồn protein có giá trị sinh học cao, giàu vitamin, kẽm, canxi và các chất béo bão hòa. Thịt trắng trong gia cầm, hải sản ít choresterol hơn thịt đỏ song giàu protein và chất béo không bão hòa là chất béo rất có lợi cho sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội nói thịt trắng phù hợp với người bị bệnh tim mạch, muốn giảm cân bởi tác dụng giảm choresterol và dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ. Thịt đỏ có ích cho người cần bổ sung năng lượng, bổ máu, nuôi dưỡng hồng cầu nhờ hàm lượng sắt cao, nhiều vitamin và tốt cho hệ thần kinh nhờ omega.
Tuy nhiên, thịt đỏ hay thịt trắng đều có những hạn chế nhất định đối với sức khỏe.
Thịt trắng hay thị đỏ có lợi cho sức khỏe. |
Theo tiến sĩ Chò, thịt có lượng choresterol cao. Do vậy, những người bị choresterol cao, tiền sử bệnh gout, bệnh tim mạch nên hạn chế ăn.
Người bình thường cũng nên có chế độ ăn thịt hợp lý. Trung bình nhu cầu cơ thể của người Việt Nam cần ăn 1-1,2 g protein một ngày. Do đó khẩu phần ăn có thể điều chỉnh thực phẩm phù hợp, ví dụ ăn nhiều cá, trứng, sữa thì giảm thịt và ngược lại.
Cách chế biến thịt cũng rất quan trọng. Món ăn được nấu đi nấu lại quá nhiều lần hoặc chế biến ở nhiệt độ quá cao thì sinh ra những chất độc không có lợi cho sức khỏe. Protein từ thịt có thể biến tính, các vitamin bị tổn thương, chất dinh dưỡng không còn có lợi cho sức khỏe người dùng.
Lưu ý khi ăn thịt trắng và thịt đỏ:
- Nên kết hợp cả hai loại thịt vào chế độ ăn hằng ngày, điều chỉnh phù hợp với thực đơn.
- Người mắc các bệnh tim mạch, tiền sử ung thư nên hạn chế ăn thịt đỏ.
- Không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, tối đa chỉ 70 g mỗi ngày.
- Chế biến thịt đỏ một cách lành mạnh, hạn chế chiên, nướng, xông khói.
- Không ăn thịt chưa qua chế biến kỹ, không ăn sống, tái hay trộn gỏi để tránh nhiễm ký sinh trùng và tăng nguy cơ ung thư.
- Không nên ăn thịt đỏ có nhiều mỡ, bỏ da của các loại thịt trắng trước khi ăn.
Thùy An