Ăn đủ chất và lượng
Theo các nghiên cứu, lượng calories trung bình một người trưởng thành cần nạp mỗi ngày khoảng 2000 calories. Tùy nhu cầu và thể trạng, có thể chia bữa ăn thành 3 bữa chính (sáng, trưa và tối) hoặc chia nhỏ hơn, thêm bữa phụ. Các bữa cần đảm bảo nguồn dưỡng chất nạp vào cơ thể là từ các sản phẩm lành mạnh, dễ tiêu hóa.
Trong 10 lời khuyên dinh dưỡng được Bộ Y tế ban hành năm 2013, thực phẩm giàu dưỡng chất, tốt cho sức khỏe nên có trong bữa ăn hằng ngày là rau xanh (cung cấp vitamin và chất khoáng), các loại thịt, cá (cung cấp protein) và các sản phẩm chứa tinh bột như gạo, bún, phở. Với các bữa phụ, có thể sử dụng khoảng 30 - 40 g hạt dinh dưỡng. Các loại hạt nhiều dưỡng chất giúp cơ thể có thêm năng lượng, no lâu mà vẫn tiện lợi, không cần chế biến cầu kỳ.
Uống đủ nước
Bên cạnh việc tuân thủ chế độ ăn, thói quen uống nước quan trọng không kém, tuy nhiên con người dễ bỏ qua khi bận rộn. Việc uống không đủ nước cũng là một trong những nguyên nhân làm mất đi năng lượng.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS), trung bình một người trưởng thành cần 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để các hoạt động tiêu hóa, chức năng não bộ và bài tiết diễn ra trơn tru. Nước chính là yếu tố giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng, gửi tín hiệu lên não, đồng thời bôi trơn các bộ phận của cơ thể.
Người thường xuyên tập thể thao, cần nạp nhiều nước hơn, chủ động uống kể cả khi không khát để bù đắp lượng nước đã mất trong quá trình làm việc.
Duy trì thói quen vận động mỗi ngày
Theo thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec), ngoài việc bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể, cần sắp xếp thời gian để mỗi ngày có ít nhất 15 phút vận động. Một số hoạt động thể chất như chạy bộ, đạp xe, hoặc ngồi thiền mỗi ngày đều sẽ giúp con người giải tỏa căng thẳng và giải phóng suy nghĩ tiêu cực.
Tập luyện còn hỗ trợ khả năng lưu thông máu, cải thiện hệ tuần hoàn và hệ thống tim mạch, vì trong quá trình tập, lượng oxi cũng như các chất dinh dưỡng được phân tán đến các mô nhiều hơn, giúp giấc ngủ sâu hơn, phục hồi năng lượng cho ngày hôm sau.
Hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử khi không cần thiết
Chị Thu Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) làm việc ở một ngân hàng chia sẻ, dịp cuối năm chị và các đồng nghiệp thường xuyên phải làm báo cáo, tiếp xúc với máy tính, điện thoại nhiều hơn thường lệ. Điều này khiến chị bị mỏi mắt, khô mắt, mệt mỏi, đau đầu, đau cổ vai gáy.
Trước đây, khi về nhà chị tiếp tục năm trên giường sử dụng các thiết bị điện tử để giải trí tuy nhiên tình trạng căng thẳng không giảm đi. Gần đây, ngoài giờ làm việc, chị hạn chế tối đa việc sử dụng máy tính điện thoại. Thay vào đó, về đến nhà Xuân dành thời gian tập thể dục, trò chuyện cùng các thành viên trong gia đình. "Tình trạng mệt mỏi, căng thẳng vì thế giảm đi đáng kể", Xuân nói.
Nguồn ánh sáng xanh từ màn hình sẽ chạy xuyên qua lớp lọc ánh sáng tự nhiên từ nhãn cầu đến gáy mắt. Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra, tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng xanh từ màn hình máy tính, laptop hay điện thoại quá 3 tiếng một ngày là nguyên chân chính gây ra các triệu chứng mỏi mắt, khô mắt hay tệ hơn là mệt mỏi, đau đầu và đau cổ vai gáy.
Vì vậy, ngoài giờ làm việc và trong trường hợp cần thiết, con người nên hạn chế tiếp xúc các thiết bị này để cả mắt và não bộ được phục hồi. Đọc sách, nghe podcast hoặc ngồi thiền có lợi cho quá trình nạp lại năng lượng.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ chất lượng giúp cơ thể tái tạo năng lượng đã tiêu hao, não bộ được nghỉ ngơi, loại trừ căng thẳng và mệt mỏi, tăng cường khả năng tập trung, đặc biệt là trong giai đoạn bận rộn cuối năm. Dựa trên kết quả của một bài nghiên cứu được đăng trên Nature Aging (2022). Trung bình một người trưởng thành cần ngủ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày. Ngủ quá nhiều hoặc quá ngủ ít đều khiến cho cơ thể uể oải, thiếu tập trung và ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc.
Rèn luyện những thói quen này giúp con người có đủ năng lượng để vượt qua các giai đoạn bận rộn trong năm và cải thiện sức khỏe về lâu dài, xây dựng lối sống tích cực, năng động.
Lan An