Giới kinh doanh cho biết hiện dù hàng đã làm ra xếp đầy kho nhưng đến nay nhà phân phối chỉ mới lấy đi trên 30%. Trong khi mọi năm họ nhanh tay lấy về cất kho cho yên tâm.
Cơ hội cho sản xuất trong nước
Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica), dự đoán sức mua tết này không tăng do những khó khăn về kinh tế, nhưng bù lại lỗ hổng ở phân khúc cao cấp của dòng bánh ngoại nhập nay bị bỏ ngỏ vì sự cố melamine sẽ được doanh nghiệp tận dụng. “Các doanh nghiệp trong nước sẽ khai thác thị phần này, cho nên sản lượng vẫn tăng” - ông Thiện nói.
Từ đầu tháng mười hai sản phẩm bánh kẹo phục vụ tết đã có mặt và bán thăm dò tại các siêu thị, cửa hàng. Thị trường tết năm nay được đánh giá là cơ hội làm ăn lớn của doanh nghiệp trong nước. Bibica nâng sản lượng lên 20%, Công ty Kinh Đô tăng 15% sản lượng so với Tết Mậu Tý 2008, Công ty Thực phẩm dinh dưỡng miền Nam cũng có kế hoạch tung ra thị trường 400 tấn bánh kẹo... Cùng với việc tăng sản lượng, các doanh nghiệp cũng tập trung đầu tư cho dòng bánh cao cấp. Đại diện Công ty Kinh Đô cho biết trong 25 triệu hộp bánh kẹo tiêu thụ tết, sản phẩm cao cấp tăng hai lần so với năm ngoái. Bibica cũng dành 10% sản lượng cho dòng bánh cao cấp với giá trên 100.000 đồng/hộp.
Đưa giá cao và...khuyến mãi
Xuất khẩu bánh trúng lớn Năm nay, các công ty bánh kẹo được mùa xuất khẩu. Theo các nhà sản xuất, những đơn đặt hàng này được chuyển từ Trung Quốc sang VN sau sự cố melamine. Ông Thiện - phó tổng giám đốc Bibica - cho biết doanh số thu từ xuất khẩu của công ty tăng gấp đôi so với năm ngoái. Thị trường chủ yếu là các nước châu Á: Philippines, Ấn Độ, Indonesia… |
Tuy nhiên, mức tăng này khi đến tay người tiêu dùng có thể được điều chỉnh giảm lại. Để khuyến khích sức mua, một số công ty đã “đánh động” tăng chiết khấu cho người bán lẻ thông qua đó giảm giá sản phẩm.
Đến thời điểm này, ngoài bánh kẹo, nước giải khát, bia cũng nằm trong nhóm hàng tăng giá dịp tết với mức 10.000-15.000 đồng/thùng như bia Heineken có giá 315.000 đồng/thùng, tăng 20.000 đồng/thùng, Tiger: 245.000 đồng/thùng, bia 333: 185.000 đồng/thùng...
Nhà phân phối chần chừ
Trong khi nhà sản xuất khá lạc quan về thị trường năm nay thì nhiều nhà phân phối lại cho rằng khó khăn kinh tế dẫn đến việc cắt giảm tiền thưởng tết sẽ kéo theo sức mua sắm trong dịp tết giảm.
Ông Thiện cho biết hiện khâu phân phối mới lấy khoảng 35% lượng hàng. Bà Bùi Hạnh Thu - phó tổng giám đốc Saigon Co.op - nhận định việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết năm nay có khác so với các năm trước, đòi hỏi công tác dự báo sức mua của thị trường phải tương đối chính xác và hết sức linh hoạt.
Theo các siêu thị, năm nay hàng nội tiếp tục chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa tết - chiếm khoảng 80%. Lượng nhà cung cấp chào hàng tết năm nay không tăng nhiều so với năm ngoái. Đến thời điểm này, phần lớn siêu thị hoàn tất 80% lượng hàng chuẩn bị cho tết, trong đó có nhiều nhóm hàng chỉ dự trữ cầm chừng, bằng năm ngoái.
Cho dù các nhà sản xuất đua nhau tăng sản lượng, chú trọng mẫu mã, hương vị bánh… nhưng vẫn không đủ thuyết phục nhà bán lẻ mạnh tay trữ hàng nhiều. Bà Thư, chủ đại lý tạp hóa trên đường Lê Văn Sỹ (TP.HCM), cho biết một tháng trước tết là cao điểm của những đơn đặt hàng công ty, tập thể nhưng cửa hàng vẫn không dám nhập hàng nhiều mà chỉ lấy về bán thăm dò. “Khách của tôi toàn là những người làm công ăn lương, đại bộ phận dân cư thu nhập trung bình, giá hàng tăng cao nên tôi không thể lấy hàng nhiều” - bà Thư nói.
Không chỉ bánh kẹo, thị trường mứt cũng khởi động chậm hơn mọi năm. Tiểu thương ngành mứt kẹo chợ Bình Tây (Q.6), An Đông (Q.5) đều than việc chuẩn bị hàng tết không rộn ràng như mọi năm. Chủ sạp mứt Liên, chợ Bình Tây, cho biết năm ngoái đến thời điểm này là lo “vô hàng”, nhận chào hàng các sản phẩm tết tấp nập. Năm nay, hàng mới cho thị trường tết vẫn im ắng. Các mối lái ở tỉnh không thấy đánh tiếng, đặt hàng.
NHƯ BÌNH
Khuyến mãi, cũng chỉ mua hàng giá thấp * TP.HCM: Đồng loạt khởi động các chương trình giảm giá từ ngày 3-12 trở đi, với mức giảm 30-50% nhưng sức mua tại các siêu thị điện máy cũng chỉ tăng ở các mặt hàng điện tử gia dụng có giá vài trăm ngàn trở lại. Các mặt hàng điện tử có giá dăm triệu đồng trở lên ít người mua. Một số mặt hàng LCD có giá cực rẻ lại hết hàng trong khi nhiều sản phẩm có giá cao chẳng mấy ai mua. Đắt hàng nhất là các mặt hàng có giá trị dưới 500.000 đồng. Tại siêu thị Nguyễn Kim, khu vực đông khách và mua “mạnh tay” nhất là khu bày bán nhóm sản phẩm gia dụng như đầu DVD, máy hút bụi, nồi điện, bộ nồi inox với giá trị thấp từ 550.000-890.000 đồng. Những mặt hàng giá trị hơn một chút như máy giặt, lò vi sóng, tủ lạnh... dù được giảm đến 50% vẫn không có tình trạng chen lấn như các năm trước. Một khách hàng tại siêu thị Phan Khang (Q.Tân Bình) cho biết dù rất muốn mua LCD nhưng nhu cầu vẫn chưa thật sự lớn để chi ra gần 10 triệu đồng. Tạm “kết sổ” sau ba ngày thực hiện chương trình giảm giá trực tiếp trên sản phẩm từ 5 đến 14-12, ông Phan Linh Phương, phó giám đốc marketing trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim, cho biết doanh số của hệ thống Sài Gòn - Nguyễn Kim “tăng ba lần so với ngày thường”. Tuy nhiên, ông Phương cũng thừa nhận “sản phẩm bán chạy là những sản phẩm có giá trị nhỏ, còn những mặt hàng có giá cao như LCD, tủ lạnh dung tích lớn vẫn chưa đạt được doanh số như mong muốn”. Còn ông Liên An Thạch, giám đốc marketing trung tâm điện máy Chợ Lớn, cho biết những sản phẩm gia dụng như bếp gas, bếp từ, máy xay sinh tố... có xuất xứ từ Trung Quốc, VN và Thái Lan bán chạy do có giá trị thấp, phù hợp với túi tiền người dân lao động. * Hà Nội: Thị trường điện tử, điện máy tại Hà Nội vào mùa giảm giá 5-60% với nhiều tên gọi: “Giá giờ G”, “Mùa giảm giá cuối năm”, “Tài trợ trực tiếp người tiêu dùng”, “Về đích cùng lợi ích khách hàng”... Hai sản phẩm giảm giá nhiều nhất là tivi LCD, máy giặt, tủ lạnh và máy ảnh kỹ thuật số. Tại Media Mart (Hai Bà Trưng), tivi LCD 40’’ của Hãng Samsung giảm đến 60%, từ 29,9 triệu đồng còn 11,9 triệu đồng, tivi LCD Sharp giá 12,9 triệu giảm 54% còn 5,9 triệu, tủ lạnh Toshiba giảm 50%... Các mặt hàng khác như lò vi sóng, máy ảnh kỹ thuật số, laptop đều giảm ít nhất 8% và cao nhất 50%. Ông Ngô Thành Đạt, giám đốc marketing siêu thị điện máy Pico Plaza, lý giải nguyên nhân của việc giảm giá gây sốc như hiện nay: “Có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm giá. Ngày 1-1-2009 là thời điểm VN mở cửa thị trường bán lẻ, vì vậy các hãng, doanh nghiệp tiêu thụ phải đi trước đón đầu. Các doanh nghiệp cũng muốn kích cầu nên đã giảm giá trực tiếp cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp đang chạy đua về đích cuối năm để đạt doanh số với nhà sản xuất”. Theo một số doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm có thể sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh hàng khá khốc liệt, đặc biệt là mặt hàng tivi LCD. Nguyên nhân là do mặt hàng này sức mua không lớn nên phải giảm giá sâu để kích cầu. Nhưng các nhà kinh doanh lại cho rằng giá đã giảm nhiều, khó có thể giảm sâu hơn do đã cắt giảm gần hết các chi phí phụ để giảm giá trực tiếp. N.BÌNH - T.V.N. - HOÀNG MAI |
(trích từ tuoitre.com.vn)